“Trong quá trình làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng (NH), khi có hiện tượng NH nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó..., doanh nghiệp (DN) có thể gặp ngay lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để phản ánh và cùng tìm cách tháo gỡ”. Đây là khẳng định của ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN Đà Nẵng.
Ông Minh cho biết, chương trình hoạt động “Năm DN Đà Nẵng 2014” do UBND thành phố xây dựng gồm nhiều nội dung, giải pháp cụ thể đối với từng sở, ban, ngành để tổ chức thực hiện. Riêng đối với ngành NH trên địa bàn Đà Nẵng, được phân công tham gia trực tiếp vào nhóm giải pháp hỗ trợ các DN về việc tiếp cận vốn tín dụng. Để bám sát nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm 2014, toàn hệ thống NH trên địa bàn đã quán triệt, hưởng ứng, tham gia Năm DN với nhiều giải pháp hỗ trợ DN.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
- Thực hiện chương trình “Năm DN Đà Nẵng 2014”, ngay từ đầu năm, Chi nhánh NHNN Đà Nẵng đã thành lập Tổ giúp việc thực hiện chương trình hành động của ngành NH Đà Nẵng. Trong đó tập trung những nhiệm vụ sau: Phối hợp với UBND các quận, huyện; Ban quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng; các hiệp hội trên địa bàn thống kê danh sách DN có khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động NH để tổ chức hội nghị kết nối giữa ngành NH và các DN trên địa bàn.
Ngoài ra, ngành NH Đà Nẵng cũng chủ động thống kê các gói sản phẩm tín dụng đang triển khai và dự kiến sẽ triển khai trong năm 2014 của các tổ chức tín dụng (TCTD) gửi trực tiếp các KCN, KCX; các hiệp hội trên địa bàn tiếp cận đến các DN. Triển khai tích cực các gói sản phẩm ưu đãi hiện có hoặc trình hội sở xây dựng các chương trình cho vay ưu đãi, các dịch vụ tiện ích gia tăng để ủng hộ chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014” của UBND thành phố như: ưu đãi lãi suất (LS), gia tăng hạn mức tín dụng, giảm phí thanh toán, tỷ lệ tài sản bảo đảm tham gia bảo đảm vốn vay… nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN trên địa bàn đã và đang hoạt động SXKD có hiệu quả.
Dịch chuyển cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vốn cho hoạt động SXKD, tập trung vốn vay cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và trọng điểm. Cho vay mới các dự án có hiệu quả có thể không cần xem xét lại điều kiện của các khoản vay cũ (có thể kéo dài trong suốt năm 2014)
* Trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng của ngành NH Đà Nẵng đạt tỷ lệ rất thấp. Vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 sẽ ra sao?
- Bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN Việt Nam, ngành NH trên địa bàn Đà Nẵng xây dựng định hướng tín dụng năm 2014, tập trung vào những nội dung: Thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh được hội sở giao để kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên địa bàn theo định hướng của NH Trung ương; đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, LS để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho DN vay vốn, duy trì và mở rộng sản xuất, thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm sản xuất trên địa bàn để phục vụ các dự án, công trình đầu tư từ ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, NHNN Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo các NH trên địa bàn giảm LS cho vay cũ tất cả các khoản vay về mức dưới 13%/năm.
* NH luôn nói dư vốn, nhưng nhiều DN nhỏ lại than phiền rất khó tiếp cận nguồn vốn vay với LS hợp lý. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Trong những năm gần đây, nguồn vốn huy động của các TCTD tăng trưởng khá, trong khi đó tăng trưởng tín dụng lại có xu hướng tăng chậm, các TCTD đang rất quan tâm đến việc phát triển tín dụng. Thêm vào đó, mặt bằng LS cho vay đối với lĩnh vực SXKD trong thời gian gần đây liên tục giảm dần theo từng tháng. Mức LS cho vay bình quân hiện nay khoảng 11 – 13%/năm tùy kỳ hạn. Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên thì Nhà nước khống chế ở mức không quá 9%/năm ( hiện nay đã hạ xuống 8%/năm).
Hiện nay, có một số DN phản ánh khó tiếp cận nguồn vốn vay với LS thấp. Nhìn từ góc độ DN thì có thể thấy các DN đang gặp những khó khăn như: khả năng trả nợ bị suy giảm do khó khăn về đầu ra do sức mua của xã hội thấp; phương án kinh doanh không khả thi; báo cáo tài chính cung cấp cho NH khác xa với báo cáo cung cấp cho cơ quan thuế; điều kiện vay vốn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được điều kiện giải ngân do bị hạn chế khi tài sản của DN (phần lớn tài sản thế chấp của DN ở NH là bất động sản) bị giảm sút và khó giao dịch vì thị trường bất động sản đóng băng.
Ngoài ra, để được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên thì các DN phải đủ điều kiện vay vốn và được TCTD đánh giá có tình hình tài chính minh bạch và lành mạnh. Một trong những tiêu chí chứng minh cho tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh là báo cáo tài chính của DN phải được kiểm toán. Nhưng hiện nay, báo cáo tài chính của phần lớn các DN Đà Nẵng thường chưa được kiểm toán. Do vậy, các DN của chúng ta chưa được tiếp cận nhiều với nguồn vốn vay với LS thấp.
* Trong quá trình làm thủ tục vay vốn, nếu gặp NH nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó..., DN phải làm gì?
- Trong quá trình vay vốn tại các TCTD, khi có hiện tượng NH nhũng nhiễu, vòi vĩnh..., DN có thể gặp ngay lãnh đạo NHNN phản ánh để cùng tìm cách tháo gỡ hoặc điện thoại trực tiếp đến đường dây nóng của Chi nhánh NHNN Đà Nẵng qua số điện thoại 0511.3823674. Chúng tôi tiếp nhận thông tin phản ánh của các DN liên quan đến tiền tệ, hoạt động NH để kiểm tra, xử lý, trả lời các kiến nghị phản ánh, kịp thời hỗ trợ DN xử lý các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực NH.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TRỌNG HÙNG thực hiện