.
CÙNG NHAU ĐƯA NGÀNH DU LỊCH VƯỢT KHÓ:

Bài 2: Liên kết giữa Đà Nẵng và miền Trung

.

(ĐNĐT) - Tiềm năng du lịch của miền Trung, nhất là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, là rất lớn. Những người làm du lịch cũng như các doanh nghiệp (DN) du lịch có liên quan đến ba địa phương này đã từng ngồi lại với nhau để tìm cách tương hỗ cho nhau, khai thác thế mạnh của nhau. Nhưng, để liên kết phát triển, cần nhiều hơn thế nữa. 

        
>>> Bài 1: Liên kết giữa lữ hành và lưu trú

Mô hình cần nhân rộng

Du khách nước ngoài trên đường phố Đà Nẵng.

Có một thực tế mà bất cứ ai làm du lịch cũng thấy được: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là nơi sở hữu 3 Di sản văn hóa thế giới, một sản phẩm du lịch đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có được.

Vì vậy, có một kịch bản mà có lẽ bất cứ ai làm du lịch cũng dễ dàng nghĩ đến được: hình thành các tour, tuyến du lịch với tên gọi “ba địa phương một điểm đến”, trong đó các DN du lịch - lữ hành - khách sạn - nhà hàng - điểm đến... có sự phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển. Và như vậy, hiệu quả đem lại là rất lớn, cụ thể là sự hình thành nên các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến miền Trung.

Cách đây tròn 4 năm, Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng (Vitours) phối hợp với 10 DN lữ hành thuộc nhóm các công ty du lịch liên kết - Happy Holiday tại TP.HCM và 3 DN du lịch tại Hà Nội tiến hành ký kết hợp tác, triển khai chương trình “Happy Holiday - Hành trình di sản” dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tổng Cục Du lịch tại Đà Nẵng, giám đốc các Sở Du lịch TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Chương trình liên kết này nhằm đưa khách từ Hà Nội và TP.HCM và vùng phụ cận đến Đà Nẵng, sau đó hình thành các tour đi miền Trung vào ngày cuối tuần.

Lúc đó, một lãnh đạo Tổng Cục Du lịch tại miền Trung đã nói rằng, cái được lớn nhất của sự liên kết trên là sẽ giải quyết được những vướng mắc lâu nay ở các địa phương trong khu vực, hình thành một chuỗi điểm đến liên hoàn đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho du khách.

Đến nay, theo Vitour, đơn vị điều hành chương trình tại Đà Nẵng, sau 4 năm hoạt động, chương trình liên kết đã có bước phát triển rất mạnh mẽ giữa các đơn vị lữ hành, khách sạn, hàng không giữa 3 địa phương này với các DN Hà Nội, TP.HCM. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Vitour, đưa ra những con số cụ thể: từ chỗ ban đầu TP.HCM có 10 DN tham gia thì nay đã lên đến 200 DN, từ 3 DN Hà Nội tham gia thì nay con số này đã là 150. Về tần suất, từ chỗ 1 tuần khởi hành 1 lần thì nay đã tăng lên gấp 4 lần. Quan trọng hơn, theo ông Tùng, cái tên "Hành trình di sản" hiện nay (thay vì Happy Holiday - Hành trình di sản" như trước đây) đã trở thành thương hiệu quốc tế và gắn liền với miền Trung.

Bà Dương Thị Thơ, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VH-TT-DL thành phố Đà Nẵng, nhận xét, hiệu quả của chương trình liên kết này là rất tốt, nổi bật trong đó là nhờ sự liên kết, phối hợp với nhau mà các đơn vị lữ hành - lưu trú - nhà hàng - điểm đến... (giữa TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế) tổ chức các chương trình giảm giá để kích cầu, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Có thể thấy, chương trình liên kết trên là một mô hình rất cần được nhân rộng để có thể khai thác tốt tiềm năng du lịch của 3 địa phương nói chung, miền Trung nói riêng.

Tái hiện đêm phổ cổ, một sản phẩm du lịch đặc thù của Hội An.

Xây dựng thương hiệu chung, tại sao không?


Cũng cách đây chừng 4 năm, ngành du lịch 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cùng nhau ký bản ghi nhớ liên kết, hợp tác để cùng phát triển du lịch. Vấn đề quan trọng nhất của sự hợp tác này được qui tụ về một mục tiêu: 3 địa phương một điểm đến, với những giải pháp thực hiện như hợp tác trong các lĩnh vực qui hoạch, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch chung cũng được 3 địa phương đặt ra, như xây dựng thương hiệu du biển chung cho cả khu vực, từ Lăng Cô cho đến Cửa Đại. Ở cấp quản lý địa phương là vậy, còn đối với các DN du lịch, đó là sự tăng cường hợp tác cùng nhau trong việc tổ chức chương trình và khai thác tour cũng như đặt các văn phòng đại diện lẫn nhau.

Đến nay, việc ghi nhớ ấy đã tiến hành đến đâu, như thế nào, chưa thấy nói đến. Nhưng từ Đà Nẵng, đã có những động thái cụ thể trong nỗ lực hợp tác, liên kết với Quảng Nam và cả Thừa Thiên - Huế, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành “Kế hoạch hợp tác liên kết, hỗ trợ giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam”. Trong đó, có một nội dung quan trọng là hợp tác xây dựng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Trước mắt, từ nay đến năm 2010, xây dựng chung chương trình quảng bá du lịch; đẩy mạnh kết nối các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội văn hóa của hai địa phương. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh hợp tác, thực hiện các hoạt động: Thống nhất tên gọi “Ba địa phương - Một điểm đến” để cùng quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Tiếp tục phối hợp tham gia các roadshow du lịch trên các thị trường Nhật, Trung Quốc, Nga, Mỹ; liên kết phát triển sản phẩm du lịch chung (Con đường di sản Miền Trung), sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, các di sản văn hóa thế giới...) trong mối quan hệ mở, tương hỗ cùng phát triển.

Phối hợp xây dựng các tour chuyên đề về văn hóa nghệ thuật, làng nghề, lễ hội. Triển khai tour du lịch biển đảo với các tuyến kết nối Sông Hương - cửa Thuận An; sông Hàn - Cù Lao Chàm - sông Thu Bồn... Xúc tiến hoạt động của các văn phòng xúc tiến du lịch của Đà Nẵng, Hội An và Huế tại 3 địa phương; tăng cường quảng cáo các tour, tuyến trong các khu du lịch, phòng nghỉ khách sạn; điểm du lịch trên địa bàn.

Nhìn lại trước đây và hiện nay, có thể thấy các địa phương - đặc biệt là Đà Nẵng, trung tâm của khu vực - đã rất ý thức được sự quan trọng của vấn đề liên kết trong phát triển du lịch.

Vấn đề hiện nay là hành động, là cụ thể hóa những chương trình, kể cả ý tưởng, đã vạch ra bằng cách bắt tay vào thực hiện. Phải xác định được lợi thế cũng như hạn chế trong mối quan hệ tương hỗ với nhau để cùng phát triển, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đà Nẵng, với vai trò trung tâm khu vực, có sân bay, cảng biển quốc tế, có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, có hệ thống dịch vụ lưu trú hoàn chỉnh, có nhiều bãi biển đẹp… sẽ là sự bổ sung lý tưởng cho Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, nơi sở hữu 3 Di sản văn hóa thế giới cùng những sản phẩm du lịch phi vật thể khác.

Nam Đà

;
.
.
.
.
.