Đà Nẵng được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn được du khách lựa chọn đầu tiên khi đi du lịch. Tuy nhiên, trong những tháng mùa mưa, các doanh nghiệp du lịch lại phải đối mặt với bài toán nan giải khi lượng khách sụt giảm đáng kể.
Kích cầu du lịch không chỉ nhằm hướng đến khách nội địa mà còn hướng đến thị trường khách quốc tế. |
Đó là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đưa ra trong buổi họp báo công bố về chương trình “Kích cầu du lịch Đà Nẵng 2013” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức vào 31-7.
Theo thống kê của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT& DL) Đà Nẵng, vào mùa du lịch thấp điểm, lượng khách nội địa sẽ giảm từ 20 - 30% so với mùa cao điểm. Không chỉ sụt giảm về lượng mà chi tiêu của khách cũng thấp hơn và thời gian lưu trú cũng ngắn hơn. Vì vậy, chương trình “Kích cầu du lịch” được xem là cú hích, tạo đà cho ngành du lịch Đà Nẵng vượt qua khó khăn trong những tháng mùa mưa. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết: “Mục đích của chương trình này là nhằm kích thích nhu cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch đồng thời giới thiệu và thu hút khách sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và các ngành dịch vụ duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững”. Ông Cường cũng cho rằng, kích cầu du lịch mùa thấp điểm cũng được xem là giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng nguồn nhân lực du lịch “no dồn đói góp”, “lúc thừa lúc thiếu” vì phân bố không đều trong năm như hiện nay.
Mặc dù trong chương trình kích cầu đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt để giảm giá nhằm thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng nhiều hơn trong mùa du lịch thấp điểm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng “giảm giá thôi vẫn chưa đủ”. Ông Đào Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Tourane Đà Nẵng cho biết: “Giảm giá chỉ là bước đầu tiên để du khách lựa chọn các gói sản phẩm du lịch phù hợp với túi tiền của họ. Nhưng chỉ giảm giá thôi là chưa đủ mà kích cầu cần phải đi liền với nhiều dịch vụ khác. Không nên để khách đến Đà Nẵng chỉ biết ăn và ngủ mà nên có các dịch vụ vui chơi giải trí để khách bỏ tiền chi tiêu nhiều hơn”. Ông Xuân cũng cho rằng, giảm giá trong kích cầu cũng phải bảo đảm chất lượng dịch vụ chứ không nên làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” của một bộ phận doanh nghiệp du lịch khiến nhiều du khách cảm thấy không hài lòng.
Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch Đà Nẵng trong những năm qua phát triển vượt bậc, lượng khách đến thành phố đã tăng gấp 2 so với giai đoạn 5 năm về trước, cơ sở hạ tầng phát triển nhưng trong mùa du lịch thấp điểm vẫn phải kích cầu vì “cung vượt quá cầu”. “Chúng ta vẫn chưa tạo nên thương hiệu đặc thù cho ngành du lịch nên lượng khách đến thành phố trong mùa thấp điểm vẫn chưa tăng như Huế và Hội An. Vì vậy phải làm sao xây dựng được thương hiệu du lịch Đà Nẵng với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng là cần thiết”, ông Trịnh Bằng Có chia sẻ.
Để chương trình kích cầu đạt như hiệu quả, nhiều ý kiến còn cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần phải có sự liên kết chặt chẽ, hợp tác cùng phát triển chứ không nên cạnh tranh theo kiểu “mùa cao điểm thì ép giá, mùa thấp điểm lại bán phá giá”. Sở cũng phải vận động các doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu và sản phẩm đặc thù của doanh nghiệp mình để du khách có ấn tượng và muốn ghé lại Đà Nẵng trong những lần du lịch sau.
Tạo ra những sản phẩm du lịch bền vững cùng với liên kết bền vững của các doanh nghiệp du lịch được xem là giải pháp cơ bản để ngành du lịch Đà Nẵng có được bước khởi sắc trong những tháng mùa mưa.
Chương trình “Kích cầu du lịch Đà Nẵng 2013” diễn ra từ ngày 1-9 đến hết ngày 31-12-2013. Tính đến hết tháng 6 đã có 80 đơn vị đăng ký các gói khuyến mãi kích cầu. Trong đó có một số chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: 10 tour đặc biệt có mức giảm giá từ 20-25% có sự liên kết giữa lữ hành - hàng không - khách sạn - khu điểm du lịch của Vitours, Saigontourist, Vietravel, Công ty Du lịch Công đoàn, Công ty Huyền thoại Việt; chương trình giảm giá phòng từ 10-50% của khách sạn Như Minh, Green Plaza, Star, Monaco, Furama, Sandy Beach...; giảm giá vé máy bay 30%, giá vé 99.990 đồng của hãng hàng không Jetstar; giảm giá dịch vụ vận chuyển 20-40% của Công ty Long Hiền, Công ty Việt Thành Anh... cùng nhiều chương trình giảm giá khác của các khu, điểm du lịch như Hòa Phú Thành, Bà Nà Hills, Bảo tàng Chăm... Chương trình kích cầu du lịch thường hướng đến thị trường khách nội địa tiềm năng từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như du khách quốc tế đến từ các thị trường gần tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. |
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN