.

Du lịch Đà Nẵng hội nhập quốc tế: Vừa làm vừa chạy

.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đầu tư sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng địa phương, liên kết trong khai thác nguồn khách… là những việc làm cần thiết và gấp rút để đưa ngành du lịch địa phương chủ động, tự tin hội nhập quốc tế. Đó là những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị “Triển khai các nội dung cơ bản về dịch vụ du lịch trong quá trình hội nhập WTO” do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm WTO (Sở Công thương) tổ chức ngày 18-12.

Du khách nước ngoài đi xích lô du lịch trên đường phố Đà Nẵng.  Ảnh: HOÀNG HÂN
Du khách nước ngoài đi xích lô du lịch trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HÂN

Lấp khoảng trống nhân lực

Theo TS Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), hội nhập là xu thế tất yếu được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ rất lâu, trong đó lấy du lịch là cầu nối giao lưu kinh tế quan trọng. Ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng cũng đi theo lộ trình ấy nhưng phải “vừa làm vừa chạy” để theo kịp các nước.

Ngành du lịch Đà Nẵng thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả, đón bắt được nhiều cơ hội của quá trình hội nhập thông qua việc thu hút các dự án đầu tư du lịch. Sự xuất hiện của các thương hiệu du lịch toàn cầu trong vài năm trở lại đây đã giúp lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh chóng. Các đại biểu cho rằng, việc mở rộng du lịch quốc tế đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao và được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập, mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Đà Nẵng. “Hội nhập là cơ hội để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh du lịch trên thị trường quốc tế, giúp khai thác được nhiều nguồn khách hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm làm du lịch chuyên nghiệp của nước ngoài nhằm mở rộng quy mô và hiệu quả kinh doanh”, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận.

Cơ hội trong quá trình hội nhập WTO là rất lớn nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở, thách thức cho các nhà làm du lịch. “Chúng ta thử rà soát lại nguồn nhân lực địa phương đã thực sự đủ tiêu chuẩn cho quá trình hội nhập chưa. Chỉ nói riêng về nguồn hướng dẫn viên du lịch quốc tế hiện nay vẫn còn thiếu trầm trọng thì không thể đáp ứng nhiều nguồn khách đến Đà Nẵng ngày càng đa dạng và tăng cao. Bên cạnh đó, các kiến thức về pháp luật, văn hóa... của đội ngũ này còn rất hạn chế. Nhiều hướng dẫn viên lợi dụng vị thế của họ vào mục đích cá nhân đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch địa phương. Vì vậy trước mắt, chúng ta phải tìm cách lấp khoảng trống đó”, ông Trần Trà, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên thành phố, trăn trở. Đồng quan điểm với ông Trà, nhiều nhà kinh doanh lữ hành cho rằng, trong tương lai, nếu Đà Nẵng không chú trọng đào tạo nguồn nhân lực sẽ dẫn đến việc buộc phải thu hút nguồn lao động nước ngoài đến làm việc tại thành phố khiến lao động địa phương mất cơ hội việc làm.

Tăng cường phối hợp chính quyền - doanh nghiệp

Một thách thức không nhỏ đặt ra cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập là khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khá gay gắt. Nhiều nhà kinh doanh lữ hành cho hay, thế mạnh của ngành du lịch địa phương hiện nay là khai thác thị trường đưa khách đi du lịch ở nước ngoài (outbound). Khi hội nhập, du lịch outbound sẽ phát triển mạnh, mở rộng cơ hội cho các hãng kinh doanh lữ hành Đà Nẵng gửi được nhiều nguồn khách trong nước sang các nước thành viên, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch nước ngoài đặt chi nhánh tại địa phương. Khi đó khả năng nối tour, tuyến với các nước trong khu vực ngày càng chặt chẽ hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng để du khách được đi nhiều nước trong một chuyến du lịch dài ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hội nhập sẽ là thách thức cho các công ty du lịch địa phương khi bị các công ty nước ngoài chèn ép do họ có tiềm lực tài chính mạnh, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về hành vi tiêu dùng du lịch của khách quốc tế vượt trội hơn các nhà cung cấp dịch vụ địa phương.

“Hiện nay với thị trường đưa khách vào Việt Nam (inbound), chúng ta đã thua trong “sân chơi” WTO vì không thể cạnh tranh so với nước ngoài. Chỉ còn thị trường outbound và nội địa nên phải làm sao thay đổi cách quản lý, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp với môi trường kinh doanh mới có thể tồn tại trong sân chơi chung. Đồng thời, cơ quan quản lý cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát để hạn chế sự chèn ép của các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, đề xuất.

Để làm được những việc đó, các doanh nghiệp du lịch địa phương cần phải liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc khai thác và trao đổi nguồn khách lẫn nhau, trong đó sự hỗ trợ từ phía chính quyền thành phố là cần thiết để giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn chung. Ông Amir Ahmad Mohamed, Tổng Giám đốc khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng, nhận định: “Chúng ta cần phải hội nhập từ từ ở từng khía cạnh nhỏ để có thời gian chuẩn bị những bước đi lâu dài hơn. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong quá trình hội nhập để đưa du lịch phát triển một cách bền vững, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của xu thế toàn cầu hóa hiện nay”.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.