Du lịch

Nghị quyết 92 "thêm cánh" cho du lịch Đà Nẵng

16:11, 18/01/2015 (GMT+7)

Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho du lịch Đà Nẵng phát triển theo hướng bền vững và sớm thực sự trở thành trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế.

Biển xanh, cát trắng trải dài, sạch đẹp là điều mà nhiều du khách nước ngoài rất thích khi đến Đà Nẵng
Biển xanh, cát trắng trải dài, sạch đẹp là điều mà nhiều du khách nước ngoài rất thích khi đến Đà Nẵng. Ảnh: TripAdvisor

Đây là nhận định của ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng.

Nghị quyết có nhắc đến vai trò của địa phương với phát triển du lịch, khi địa phương đóng vai trò quyết định đến chất lượng phục vụ du khách tại các điểm đến cũng như khả năng quay lại của họ. Vậy, Đà Nẵng có bước chuẩn bị gì để đẩy mạnh phát triển du lịch theo định hướng mà Nghị quyết đề ra? 

Ông Trần Chí Cường: Đây là lần thứ 2 (sau 20 năm) Chính phủ có Nghị quyết về phát triển du lịch, là cơ sở, nền tảng và điều kiện để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn; qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội. Đối với Đà Nẵng, nghị quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho du lịch Thành phố phát triển theo hướng bền vững và sớm thực sự trở thành trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế. 

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, UBND Thành phố đã chỉ đạo ngành du lịch xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm triển khai cụ thể cho đơn vị, đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương cũng như kiến nghị Trung ương và Chính phủ xem xét tháo gỡ những khó khăn, hạn chế để thực sự tạo hành lang thông tháng cho du lịch phát triển. 

Năm qua là một năm thành công của du lịch Đà Nẵng với tổng doanh thu ước đạt gần 10.000 tỷ đồng, góp phần không nhỏ khiến Đà Nẵng trở thành “Điểm đến mới nổi nhất thế giới”. Trong định hướng dài hơi, ngành du lịch Thành phố đã có những bước chuẩn bị gì để xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng thị phần khách quốc tế ở các thị trường tiềm năng từ danh hiệu này?

Ông Trần Chí Cường: Những kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng chỉ mới là bước đầu. Chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động nhằm kịp thời tranh thủ những danh hiệu, giải thưởng trong quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng, vừa tiếp tục triển khai khắc phục những điểm còn hạn chế của ngành (sản phẩm đặc trưng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách, nguồn nhân lực, môi trường an ninh-an toàn cho du khách…) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điểm đến Đà Nẵng.

Trong đó để tranh thủ “tiếng vang” từ các trang mạng, các tạp chí đã bình chọn điểm đến du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch đã xây dựng và tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định các thị trường khách trọng điểm của du lịch Đà Nẵng và sản phẩm du lịch tập trung xúc tiến quảng bá cho từng thị trường một; xác định các hình thức quảng bá phù hợp.

Mục tiêu sẽ hướng Đà Nẵng trở thành Thành phố sự kiện thông qua nhiều hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn như: Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa Quốc tế, cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, và xúc tiến tổ chức Giải đua thuyền buồm quốc tế, Giải Ba môn phối hợp (Ironman 70.3 VN), giao lưu văn hóa du lịch với các thành phố lớn trên thế giới…

Đồng thời, Đà nẵng sẽ tiếp tục duy trì các đường bay hiện có, xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng; tổ chức hội chợ chuyên đề du lịch sự kiện (MICE), xây dựng các ấn phẩm, các sản phẩm du lịch MICE…

Du khách tại Bảo tàng Champa (Đà Nẵng).
Du khách tại Bảo tàng Champa (Đà Nẵng).

Mặc dù chính quyền Thành phố đã tạo điều kiện cho DN du lịch, nhưng dường như vẫn chưa thỏa mãn được nhiều yêu cầu từ phía các doanh nghiệp. Từ thực tiễn địa phương, xin ông cho biết nguyên nhân do đâu? Đà Nẵng sẽ làm gì để từng bước khắc phục những hạn chế này?

Ông Trần Chí Cường: Đối với DN, nhất là lĩnh vực du lịch, các chính sách từ quyết định của Trung ương đều có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách như giá thuê đất, hình thức tính giá đất (đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giá thuê đất cho cảnh quan, cây xanh được quy định tính như giá xây dựng cơ sở dịch vụ), giá điện, thủ tục và lệ phí xuất nhập cảnh, việc nhập các phương tiện vận chuyển phục vụ khách du lịch… là những chính sách ngoài tầm của địa phương. 

Vì vậy, ở góc độ địa phương nếu có cố gắng nhưng không được phân quyền hoặc chưa được tháo gỡ các khó khăn đối với những chính sách như nêu trên thì rất khó đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả cũng như thỏa mãn nhu cầu chính đáng của họ. 

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị đối với Trung ương để sớm tháo gỡ các khó khăn này cũng như nghiên cứu và mạnh dạn kiến nghị Trung ương tiếp tục có những phân cấp cho địa phương ở những vấn đề cụ thể nhằm kịp thời hỗ trợ cho phát triển du lịch như mục tiêu và yêu cầu của Nghị quyết 92 đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Chinhphu.vn

.