.

Dịch vụ khách sạn: "Cháy" phòng, "đội" giá

.

Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC 2015). Trong tất cả các hoạt động “ăn theo” pháo hoa thì dịch vụ lưu trú được xem là chộn rộn nhất. Dù còn 45 ngày nữa mới diễn ra DIFC 2015, nhưng đến nay nhiều khách sạn ở những vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố đã thông báo hết phòng.

Còn 45 ngày nữa mới tới lễ hội pháo hoa nhưng những khách sạn có vị trí đẹp ven sông Hàn đã báo hết phòng. (Ảnh mang tính minh họa)
Còn 45 ngày nữa mới tới lễ hội pháo hoa nhưng những khách sạn có vị trí đẹp ven sông Hàn đã báo hết phòng. (Ảnh mang tính minh họa)

Tăng giá vượt mức quy định

Theo các nhà làm lữ hành, để chuẩn bị đón lượng lớn du khách đến Đà Nẵng vào dịp pháo hoa, các công ty du lịch trên địa bàn thành phố đã lên kế hoạch đặt phòng tại khách sạn và khu nghỉ mát (resort) từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, nếu ngày thường, các công ty lữ hành dễ dàng đặt phòng cho các tour khách đoàn thì dịp pháo hoa chỉ có thể đặt vài phòng cho khách lẻ.

“Hiện tại, các khách sạn đã báo hết phòng, chỉ còn một số ít dành cho các đối tác là những đơn vị lữ hành thân thiết. Tuy nhiên, số phòng “quan hệ” này cũng rất hạn chế, chỉ từ 5-10 phòng”, đại diện một đơn vị lữ hành Đà Nẵng cho biết.

Chiều 4-3, chúng tôi gọi điện thoại đến khách sạn H.S (3 sao) trên đường D.D.N (quận Sơn Trà) để đặt phòng cho một đoàn khách gồm 10 người thì quản lý ở đây thông báo phòng dành cho khách đoàn đã hết, chỉ còn một số ít dành cho khách lẻ. Khi chúng tôi hỏi giá phòng dành cho khách lẻ trong 2 đêm pháo hoa (28 và 29-4), người quản lý này cho hay: “Loại phòng cao cấp 3 giường có giá 2,1 triệu đồng/đêm, tính thêm phụ thu 150.000 đồng/1 người/1đêm”.

Gọi điện thoại đến khách sạn 3 sao T.S trên đường L.T.T (quận Hải Châu) để hỏi phòng, chúng tôi cũng nhận được lời từ chối tương tự. Nhân viên bán hàng của khách sạn này cho biết, hiện khách sạn T.S có 50 phòng nhưng khách đã đặt kín chỗ và giá phòng cho khách lẻ là 1,5 triệu đồng/đêm. Nhân viên này cũng cho biết thêm, giá phòng của khách sạn 4 sao trên địa bàn thành phố hiện nay vào khoảng 3-6 triệu đồng/đêm/phòng 2 người, nhưng hầu như cũng không còn phòng.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, ngày bình thường, giá phòng của khách sạn 3 sao chỉ vào khoảng 350.000-500.000đồng/phòng/đêm, khách sạn 4 sao là 600.000-850.000 đồng/phòng/đêm. So với quy định của UBND thành phố, các cơ sở lưu trú không được tăng giá phòng quá 50% so với ngày thường thì mức giá mà khách sạn H.S và T.S đưa ra đã tăng từ 2-3 lần.

Trong khi đó, tìm hiểu mức giá phòng mà các công ty lữ hành đã đặt cọc cho các đối tác quen trong 2 đêm pháo hoa, một vài đơn vị cho biết, giá phòng của khách sạn 3 sao từ 600.000-700.000 đồng/phòng/đêm, 4 sao từ 1,2-1,4 triệu đồng/phòng/đêm. Như vậy, chỉ một số ít lữ hành mới có thể đặt phòng cho các khách sạn là đối tác quen với mức giá tăng theo quy định của thành phố, còn nếu là khách lẻ sẽ bị các khách sạn “chặt chém” không thương tiếc.

Sốt phòng “ảo”?

Hiện tại, thành phố Đà Nẵng có 475 khách sạn và resort với hơn 16.000 phòng, gồm 10 khách sạn 5 sao và tương đương, 11 khách sạn 4 sao và tương đương, 50 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn 2 sao trở xuống. Trong đó, loại phòng được du khách lựa chọn nhiều nhất trong dịp pháo hoa là phòng khách sạn 3 và 4 sao vì giá cả vừa phải, chất lượng lại bảo đảm.

Tuy nhiên, đến nay hầu như các khách sạn 3 và 4 sao trên địa bàn thành phố đều từ chối nhận phòng cho khách đoàn. Khảo sát một vài công ty lữ hành lớn, các đơn vị này đều cho biết, dù đơn đặt hàng của du khách trong dịp pháo hoa từ hai đầu đất nước đổ về rất nhiều, nhưng nếu du khách đồng ý ở lại đêm tại Hội An (Quảng Nam) hoặc Huế thì dễ, còn ở lại đêm tại Đà Nẵng trong 2 đêm pháo hoa khả năng đặt phòng là rất khó.

Công ty lữ hành X. dù đang có 2 đoàn, mỗi đoàn khoảng 30-40 người muốn đặt tour để xem pháo hoa, nhưng hiện công ty không dám nhận lời vì chưa tìm được phòng. Kể cả liên hệ tới những khách sạn là mối thân quen thường xuyên đưa khách tới cũng chỉ được khoảng 10 phòng là tối đa. “Chẳng lẽ một đoàn mà bắt khách phải ở hai khách sạn. Khách vừa khó chịu mà hướng dẫn viên của mình cũng vất vả”, Giám đốc chi nhánh một đơn vị lữ hành ở Đà Nẵng nói.

Trong vai hướng dẫn viên, chúng tôi tìm đến khách sạn Monaco (2 sao+), nhân viên ở đây cũng thông báo đã hết phòng và chỉ chúng tôi tới khách sạn M.S (2 sao) gần đó. Anh N., nhân viên của khách sạn M.S cho biết, hiện khách sạn chỉ còn vài phòng cho khách lẻ, còn nếu đặt cho khách đoàn thì phải đặt phòng trọn gói trong cả dịp lễ (tức từ ngày 28-4 đến ngày 2-5) thì khách sạn này mới giữ lại phòng.

Sau khi cò kè, năn nỉ, anh N. cố gắng để lại một vài phòng cho khách đoàn và chúng tôi chấp nhận với mức giá cao hơn so với những đoàn khách khác, anh này mới đồng ý để lại cho chúng tôi 5 phòng với mức giá 2 triệu đồng/phòng/đêm. “Khách sạn đã bán với giá 1,7 triệu đồng/phòng/đêm trong dịp pháo hoa, vì các chị trả giá cao hơn nên chúng tôi mới để lại cho một ít phòng”, anh này nói.

Đà Nẵng có gần 16.000 phòng, nhưng năm nay dự kiến sẽ đón 500.000 lượt du khách đến thành phố vào dịp pháo hoa. Nhiều nhà làm du lịch cho biết, lượng phòng như vậy có thể đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Thế nhưng, qua điều tra của phóng viên, dù chưa đến pháo hoa nhưng trên địa bàn thành phố đã xảy ra hiện tượng sốt phòng “ảo” để nâng giá bán cho khách lẻ vào 2 đêm 28 và 29-4. Hầu như khách sạn nào cũng thông báo hết phòng, nhưng nếu du khách trả giá cao hơn thì khách sạn sẽ đồng ý để lại phòng.

Giá phòng ở thời điểm đầu tháng 3 đã được các chủ khách sạn điều chỉnh tăng từ 2-3 lần, thậm chí có khách sạn tăng tới 5 lần. Một số đơn vị điều hành tour cũng tiết lộ, loại phòng dành cho khách du lịch trong dịp pháo hoa năm nay sẽ tăng giá gấp đôi hoặc gấp ba. “Bình thường công ty du lịch ký hợp đồng mua phòng loại 3 sao chỉ từ 500.000 - 600.000 đồng/phòng/đêm, thì nay phải trả 1 triệu đồng, thậm chí cao hơn và đặt cọc tiền ngay thì khách sạn mới đồng ý giữ phòng. Còn nếu khách tự đăng ký, giá phòng sẽ ở mức 1,5-1,7 triệu đồng/phòng”, một điều hành tour chia sẻ.

Niêm yết một đằng, bán một nẻo

Để hạn chế tình trạng “găm” phòng bán giá cao trong dịp diễn ra pháo hoa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch yêu cầu, từ ngày 10-2, các đơn vị lưu trú trên địa bàn thành phố phải niêm yết công khai, rõ ràng giá bán phòng và giá dịch vụ ăn uống ở thời điểm ngày thường cũng như ngày diễn ra các sự kiện lễ hội tại quầy lễ tân; đồng thời, phải niêm yết số điện thoại của các cơ quan quản lý liên quan ở vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân để du khách biết. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát của phóng viên, dù có niêm yết nhưng một số khách sạn vẫn báo giá cao hơn so với giá đã niêm yết.

Trong vai hướng dẫn viên, chúng tôi tìm đến khách sạn S.S trên đường L.H để đặt phòng cho khách đoàn trong dịp pháo hoa. Sau khi hỏi một vài thông tin, nhân viên lễ tân của khách sạn này nói chúng tôi để lại số điện thoại sẽ liên hệ sau. Tối hôm đó, nhân viên này điện trả lời, hiện khách sạn S.S chỉ còn vài phòng cho khách lẻ với giá 1,3 triệu đồng/phòng/đêm, nếu chấp nhận thì đem tiền đến đặt cọc.

Trong khi đó, buổi chiều chúng tôi nhìn bảng báo giá trước quầy lễ tân tại khách sạn S.S lại ghi là 650.000 đồng/đêm dành cho loại phòng đơn, 700.000 đồng/đêm dành cho loại phòng đôi. Như thế, mức giá mà nhân viên lễ tân khách sạn S.S điện thoại báo với chúng tôi đã khác xa so với mức giá niêm yết. Khách sạn M.N cũng niêm yết giá bán trong dịp pháo hoa từ 750.000-950.000 đồng/phòng/đêm tùy loại phòng nhưng khi chúng tôi hỏi phòng dành cho 2 người thì nhân viên khách sạn ở đây báo giá là 1,7 triệu đồng/phòng/đêm.

Được biết, đến ngày 20-3, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian diễn ra DIFC 2015, dịp lễ 30-4, 1-5 sẽ được thực hiện. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố sẽ kiểm tra về giá cả dịch vụ của các đơn vị kinh doanh. Thế nhưng, khi công tác thanh tra, kiểm tra dịch vụ lưu trú chưa được thực hiện thì ngay từ những ngày đầu tháng 3, các khách sạn đã bắt đầu “làm giá”. Vậy sự vào cuộc của cơ quan chức năng liệu có quá muộn?

Ngày 16-1, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường trong thời gian diễn ra Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2015 và dịp lễ 30-4, 1-5 (từ ngày 1-2 đến ngày 3-5). Theo đó, đối với các dịch vụ lưu trú (bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách) không được tăng giá quá 50% so với mức giá bán ngày bình thường và đối với dịch vụ ăn, uống không được phép tăng giá so với mức giá bán ngày bình thường. Các đơn vị phải đăng ký niêm yết giá và thực hiện đúng giá niêm yết.

Đồng thời, Sở VH-TT&DL cũng yêu cầu các đơn vị khách sạn thực hiện đăng ký kê khai giá lưu trú dịp DIFC 2015 và niêm yết giá kê khai gửi về sở. Nhưng đến ngày 6-3, chỉ có 340/435 đơn vị (chiếm gần 80%) đã gửi bảng kê khai giá theo đúng mẫu yêu cầu của sở.

MAI KHÔI - CAO MINH

;
.
.
.
.
.