Du lịch

55 năm Ngày Du lịch Việt Nam (9-7-1960 – 9-7-2015)

Du lịch Đà Nẵng, những chặng đường phát triển

07:32, 09/07/2015 (GMT+7)

Năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (9-7-1960 – 9-7-2015). Đây là sự kiện và dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố bên sông Hàn. 				                      Ảnh: Huỳnh Văn Truyền
Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố bên sông Hàn. Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Trải qua 55 năm phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ngành đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Đối với ngành Du lịch Đà Nẵng, sau ngày đất nước giải phóng, tiền thân là Công ty Du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng với một vài khách sạn ở trung tâm thành phố, chủ yếu phục vụ các chuyên gia Nga và khách nội địa đi công tác, qua 40 năm, ngành Du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.  

Những bước phát triển vượt bậc

Từ sau Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975), ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có những giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn từ sau giải phóng đến khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1975-1997), du lịch Đà Nẵng đã có những thay đổi cơ bản về cơ sở vật chất, từ một vài khách sạn sau giải phóng, đến năm 1997 Đà Nẵng đã có 58 khách sạn với 1.948 phòng, trong đó đã có một số khách sạn 3 sao.   

Trong giai đoạn từ 1997 - 2008, ngành Du lịch Đà Nẵng có những bước phát triển nhanh chóng; nhất là từ sau năm 2003, ngành du lịch được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2008, thành phố có 138 khách sạn với 4.239 phòng.

Trong giai đoạn này, thành phố đã đầu tư xây dựng hạ tầng tại bán đảo Sơn Trà và Công viên biển Phạm Văn Đồng (nay là Công viên Biển Đông), xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu Mỹ Khê và T18. Thị trường khách du lịch quốc tế nổi bật với lượng khách du lịch đường bộ Thái Lan đến Đà Nẵng đạt từ 20.000-30.000 khách/năm.  

Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, du lịch Đà Nẵng đã phát triển thực sự khởi sắc và ấn tượng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục được phát triển với việc hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp 5 sao ven biển và các khách sạn cao cấp 3-5 sao trong thành phố và các khách sạn tiêu chuẩn 1-2 sao, đáp ứng nhu cầu từ khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đến khách công vụ, khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE), khách vãng lai. Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng: InterContinental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman…

Hệ thống doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành cũng phát triển mạnh, cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có 183 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 108 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.  
Trong 5 năm gần đây (2011-2015), lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng tăng bình quân 20,14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 25,4%, khách nội địa tăng 18,6%.

Doanh thu chuyên ngành du lịch tăng bình quân 30,6%/năm. Năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với năm 2013;  trong đó khách quốc tế là 955.000 lượt, khách nội địa đạt 2.845.000 lượt. Tổng thu du lịch đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2013.

Trong giai đoạn này, cơ sở hạ tầng thành phố có sự phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển của cơ sở vật chất ngành Du lịch đã làm Đà Nẵng trở thành một thành phố năng động, hấp dẫn đối với khách du lịch. Hàng loạt công trình lớn về du lịch được hoàn thành, đưa vào hoạt động như Cáp treo Bà Nà, khu giải trí Fantasy Park, Vòng quay Mặt trời (Sun Wheel), Công viên Châu Á, Khu giải trí Helio Center…

Đà Nẵng liên tiếp được nhiều tổ chức du lịch quốc tế có uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn. Nhiều sản phẩm của thành phố đã đoạt những giải thưởng lớn như Khu nghỉ dưỡng 5 sao InterContinental Danang Sun Peninsula Resort vừa đoạt giải Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất châu Á 2014 do World Travel Awards trao thưởng. Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn Đà Nẵng là top 10 điểm đến hấp dẫn của châu Á năm 2014. Đà Nẵng đứng đầu danh sách top 10 điểm đến mới nổi trên thế giới năm 2015 theo kết quả bình chọn trên trang thông tin điện tử du lịch uy tín TripAdvisor.

Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng. Nhiều khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp và bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Du lịch nghỉ dưỡng biển được phát triển theo hướng mở rộng cung ứng các dịch vụ vui chơi thể thao biển như canô, dù kéo, jetski, kayak, lặn biển… kết hợp với hàng loạt các khu nghỉ mát, biệt thự cao cấp dọc tuyến biển cung cấp những dịch vụ ngày càng hoàn thiện cho du khách.

Khu du lịch Bà Nà trong những năm qua đã được đầu tư phát triển mạnh phục vụ du lịch như hệ thống cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới và các dịch vụ vui chơi, giải trí tại Bà Nà; các tour tuyến, điểm tham quan, khám phá Sơn Trà được khai thác. Du lịch công vụ, hội nghị hội thảo (MICE) được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn với các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế. Các dịch vụ trọn gói kết hợp cùng các điểm du lịch nghỉ dưỡng đang dần khẳng định uy tín và thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Đà Nẵng  

Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Chương trình Phát triển du lịch 2016-2020. Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân phối khách khu vực miền Trung-Tây nguyên. Tiếp tục thu hút và mở thêm các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó ưu tiên các đường bay từ châu Âu và các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore. 

Nâng cấp và hoàn thiện các dịch vụ để Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tàu biển và du thuyền quốc tế. Phối hợp với các địa phương khu vực miền Trung trong việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao; liên kết, phối hợp trong công tác xúc tiến, quảng bá và tìm kiếm thị trường khách du lịch.

Thành phố tiếp tục có các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực ven biển, đặc biệt là dịch vụ giải trí về đêm để thu hút khách du lịch, phát triển chợ đêm, phố đi bộ phục vụ du khách và nhân dân thành phố.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng trên nhiều kênh khác nhau. Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế tiềm năng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, châu Âu, Mỹ… Thực hiện công tác quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các kênh truyền hình và các trang mạng có tiếng về du lịch, các kênh truyền hình lớn của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc…

Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch Phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được UBND thành phố phê duyệt; tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng về du lịch cho các khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ bán sản phẩm, tiếp thị du lịch, đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Nâng cao chất lượng phục vụ của các khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch…

Bảo đảm môi trường du lịch trong sạch cả về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường, thành phố sự kiện. Xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, bu bám, chèo kéo khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ du lịch và tạo nên hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách. Tất cả nhằm mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố du lịch có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố, sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng người dân thành phố, ngành Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ngô Quang Vinh

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng

.