Du lịch

Mùa kích cầu du lịch: Cần sự thay đổi

07:26, 26/10/2015 (GMT+7)

Các chương trình kích cầu du lịch được coi là cú hích để phát triển du lịch nội địa. Tuy có nhiều khởi sắc hơn những năm trước đó nhưng chương trình kích cầu du lịch năm nay vẫn còn không ít khó khăn, cần có sự thay đổi để thị trường khách luôn ổn định trong các thời điểm.

Các chương trình kích cầu được coi là cú hích để thu hút khách.  Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan thành phố bằng xích lô.
Các chương trình kích cầu được coi là cú hích để thu hút khách. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan thành phố bằng xích lô.

Nhiều tín hiệu vui

Đặt phòng một khách sạn nằm trên đường Võ Nguyên Giáp từ hồi tháng 8, nhưng mới đây chị Trần Phương Mai (du khách Hà Nội) cùng nhóm bạn mới đến và sử dụng dịch vụ. Trước đó, khi đặt phòng, chị không biết về chương trình kích cầu, giảm giá phòng lưu trú, nhưng khi tới nơi vẫn được áp dụng giá trong chương trình kích cầu, được giảm tới 40% giá phòng lưu trú. Chị Mai và nhóm bạn cảm thấy rất hài lòng vì giá giảm nhưng vẫn bảo đảm các dịch vụ đi kèm.

Theo khảo sát, tại một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, lượng khách lẻ, khách hội thảo, hội nghị năm nay khá nhộn nhịp, khác hẳn với sự vắng vẻ của năm ngoái. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Phương Dung, Giám đốc điều hành khách sạn Orchid, các chương trình kích cầu của Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách lẻ ở một số tỉnh, thành phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

So với cùng thời điểm năm ngoái, năm nay lượng khách cao hơn trước khá nhiều, riêng trong tháng 9, khách sạn lấp đầy khoảng 57% tổng số phòng, điều này cho thấy việc kích cầu du lịch phần nào đã tác động đến du khách. Bà Phương Dung khẳng định, dù giảm giá sản phẩm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, có như vậy mới giữ được uy tín với khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Du lịch MICE, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, các đơn vị kinh doanh dịch vụ như phương tiện, cơ sở lưu trú đều đồng loạt cam kết giảm giá nên giá thành gói tour ở thời điểm này khá rẻ, mặt khác năm nay thời tiết khá thuận lợi, mưa ít nên đến thời điểm này khách đi du lịch, khách hội thảo, hội nghị kết hợp tham quan tại Đà Nẵng vẫn khá đông.

Cần thay đổi thói quen

Đại diện một đơn vị lữ hành lại cho rằng, tuy lượng khách nội địa đến Đà Nẵng không còn cao như mùa hè nhưng lại là mùa của khách châu Âu đến nghỉ đông và mùa tham quan của khách châu Á. Nhiều đơn vị lữ hành thời gian này tấp nập đón các đoàn khách từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Do đó, các đơn vị lữ hành cần nhanh nhạy nắm bắt thực tế nguồn khách để giảm giá các sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú cho rằng, việc kích cầu giảm giá như thế này chỉ là giải pháp tạm thời, bởi hiện nay số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố quá nhiều trong khi lượng khách ít, nếu không quản lý tốt về việc giảm giá dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đơn vị kinh doanh nào cũng muốn hạ giá, giảm giá sâu để thu hút khách.

Trước thực tế đó, bà Kim Liên cho rằng, người dân cũng nên thay đổi thói quen đi du lịch, thay vì tập trung đi vào mùa hè, với những người trung và lớn tuổi không vướng bận nhiều có thể sắp xếp đi vào mùa này để được hưởng các ưu đãi mà vẫn được trải nghiệm gần như đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ của gói tour.

Rõ ràng, để hoạt động kích cầu du lịch thực sự hiệu quả và để giảm giá nhưng không giảm chất lượng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành… cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành với nhau, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm, có điểm nhấn khác biệt, có như vậy mới thực sự thu hút khách.

Bài và ảnh: Cao Minh

.