.

Lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp và người dân lo lắng

.

Bắt đầu từ ngày 2-4, theo đúng như cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tất cả các ngân hàng (NH) trên cả nước đồng loạt hạ lãi suất huy động vốn xuống còn 10,5% đối vớiù kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, và 11% đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

Giao dịch tiền tệ tài Eximbank Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay, hiện các NH vẫn còn giữ ở mức khá cao. Tham khảo về mức lãi suất cho vay tại một số NH trên địa bàn thành phố tại thời điểm ngày 8-4, chúng tôi thấy lãi suất của các NH vẫn đang dừng ở mức 1,35-1,40% (vay có kỳ hạn đối với các đơn vị, DN) và 1,55-1,56 % (vay có kỳ hạn đối với người dân). Theo một số NH cho biết, mức lãi suất cho vay nói trên có giảm so với trước đây, song sẽ tiếp tục hạ đến đâu và hạ vào thời điểm nào thì các NH vẫn chưa có câu trả lời. Trước tình hình trên, rất nhiều DN đang có nhu cầu vay vốn để SXKD hoặc người dân cần vay tiêu dùng hết sức băn khoăn, lo lắng...

Chị Phan Thị Thu Thủy, một công chức Nhà nước cư trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, bày tỏ: Tôi đang cần vay khoảng 500 triệu đồng để làm nhà ở và sẽ vay dài hạn trong vòng 10 năm, song tính đi tính lại, tôi vẫn chưa dám vay vì lãi suất các NH cho vay còn đang quá cao. Một bài toán thật nan giải, đó là nếu tôi vay với số tiền nói trên, lãi suất hiện tại (có kỳ hạn) là 1,55%/tháng, thì hằng tháng chỉ riêng tiền lãi, tôi phải trả cho NH lên đến 7,5 triệu đồng, trong khi đó, tiền vốn phải trả cao nhất cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Và như vậy, nếu sau 10 năm trả hết cả vốn lẫn lãi, số tiền tôi phải chi thêm trên 1 tỷ đồng, gấp đôi so với số tiền vay ban đầu. Mà điều này thì thật khó khăn so với đồng lương của người đang làm công ăn lương như tôi hiện nay.

Anh Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam cũng không khỏi lo lắng khi cho rằng: lãi suất các NH cho vay cao như hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho các DN. Nhiều DN đang phải đau đầu về bài toán không có vốn thì không thể đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng nếu đi vay vốn NH với lãi suất cao, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên rất cao; bằng không, các DN phải chấp nhận làm ăn không có lãi.

Tuy lâu nay, hầu hết NH đều có chương trình hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp hơn thị trường đối với các DN được coi là bạn hàng làm ăn thường xuyên, song trên thực tế, vốn cho vay theo dạng hỗ trợ nói trên không đáng kể, nhất là trong điều kiện khan hiếm vốn như hiện nay. Chính vì vậy, để có vốn, nhiều DN vẫn phải chấp nhận vay theo lãi suất như trên thị trường, thậm chí đôi khi còn cao hơn thị trường. Mà điều này sẽ hạn chế rất nhiều những cơ hội và khả năng làm ăn của các DN.

Trước thực tế trên đây, rất nhiều DN cũng như người dân khi đi vay vốn đều bày tỏ mong muốn các NH cần sớm xem xét điều chỉnh lại mức lãi suất cho vay, nhằm tạo điều kiện cho họ có cơ hội được vay vốn SXKD hoặc sử dụng vào những mục đích chính đáng khác. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những biện pháp tích cực hơn để góp phần điều tiết, cải thiện tình trạng khó khăn về vốn hiện nay của các NH. Bài và ảnh:

VÂN ANH

;
.
.
.
.
.