Mỗi nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin và nỗi lo riêng khi vào làm ăn ở miền Trung vào thời điểm này. Ông Don Lam, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Vina Capital nói rằng, phát triển du lịch và tài chính thương mại ở miền Trung không quyết liệt, không đồng bộ và còn manh mún như hiện nay thì số vốn tập đoàn này đổ vào xây dựng các đô thị, khách sạn văn phòng cao cấp làm sao có thể nhanh chóng phát huy hiệu quả?
Tiền vô như nước sông Đà
Cảng container đang là xu hướng của thương mại toàn cầu. |
Ông Peter Rider, Tổng Giám đốc Indochina Capital cho biết, trong vòng 5 năm tới số vốn của Vina Capital đổ vào các tỉnh miền Trung sẽ lên đến 1 tỷ USD. Quỹ đầu tư này đã và đang xây dựng toàn các công trình cao cấp nhất trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch, địa ốc. Sau khu resort The Nam Hai tiêu chuẩn 5 sao được đánh giá là khu nghỉ mát cao cấp nhất miền Trung hiện nay, một khu phức hợp thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp vừa chính thức khai trương vào cuối tháng 5-2008 tại Đà Nẵng.
Và sắp tới là một sân golf rộng 70 hecta ở Quảng Nam, một khu du lịch cùng một khu kinh doanh biệt thự cao cấp ở biển Lăng Cô (Huế). Nói chung, suốt mấy năm nay các công trình của Indochina Capital đầu tư đều được thi công ngày đêm với mục đích nhanh chóng đưa vào khai thác. Sở dĩ Quỹ đầu tư này “hăng” như vậy vì họ tin chắc rằng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thật sự đang tăng trưởng nóng, và sẽ trở thành vùng có mức tăng trưởng kinh tế cao trong vài năm tới. Và quan trọng nhất là những dự án do Indochina Capital đầu tư đã chắc chắn có khách hàng.
Khác với tình trạng “rào dự án” do tắc nghẽn nguồn tín dụng của các dự án đầu tư kinh doanh địa ốc trên cả nước, năm 2008, hàng loạt dự án xây dựng đô thị mới với tổng kinh phí từ 200 đến 300 triệu USD tại Đà Nẵng của Vina Capital và một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Daewon Cantavil đã lần lượt tổ chức động thổ. 4 dự án khác của các tập đoàn trong nước xây tòa cao ốc trên 33 tầng ngay khu vực trung tâm đều ở trong tình trạng khẩn trương thi công ngày đêm.
Tập đoàn FPT cũng tham gia một dự án với tổng vốn 1 tỷ USD xây dựng khu đô thị công nghệ cao tại Đà Nẵng. Xa hơn, tại chuỗi các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong… số vốn đăng ký đầu tư sản xuất, du lịch đã lên đến 10 tỷ USD. Đặc biệt, Phú Yên có dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô do Anh và Nga đầu tư 1,7 tỷ USD. Định hướng khai thác kinh tế biển, du lịch và phát triển các khu công nghiệp tầm cỡ của miền Trung đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước hưởng ứng bằng nguồn vốn khổng lồ đổ vào dồn dập trong một khoảng thời gian cực ngắn.
Hấp thu nhỏ giọt như cà-phê phin!
Trong khi hệ thống giao thông đường bộ tại miền Trung, kể cả hệ thống đường bộ cấp tỉnh, huyện được tập trung đầu tư mạnh mẽ thì hệ thống cảng biển và sân bay tuy được quy hoạch dày đặc nhưng vẫn đang trong tình trạng manh mún. Ông Trương Đình Hiển, một trong những chuyên gia về cảng biển nước sâu của VN nêu ý kiến phải đầu tư các cảng biển nước sâu để khai thác thay cho viễn cảnh chở hàng triệu tấn hàng hóa, nguyên vật liệu trên đường bộ giữa các khu đại công nghiệp lớn, vừa tốn kém vừa không hợp lý trong điều kiện giao thương toàn cầu hiện nay và trong tương lai.
Ông Peter Rider thì kể rằng, trên thực tế nhiều đoàn khách du lịch phải hủy chuyến đến Đà Nẵng, Nha Trang, Huế vì không có đủ chuyến bay. Chỉ một sự kiện Đà Nẵng tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế, các hãng hàng không đã bị quá tải và hàng chục nghìn khách không thể đến được thành phố dù họ rất muốn đến. Nói tóm lại các sân bay địa phương ở miền Trung chưa được đầu tư hiện đại nên thường xuyên hủy chuyến trong khi vẫn phải “chiến đấu” để giữ lại hoặc tiếp tục mở thêm các đường bay thẳng trực tiếp đến Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tư duy đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân chính khiến miền Trung không thể xuất hiện những địa phương được coi như “đầu tàu” về kinh tế, làm nhiệm vụ động lực thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh cho cả vùng. Thực tế cũng đã khẳng định trước những thời cơ mới, không phải cơ hội sẽ được chia đều cho từng địa phương. Chẳng hạn, tại một cuộc hội thảo với chủ đề Ảnh hưởng của hội nhập kinh tế khu vực và Hành lang Đông - Tây đối với Đà Nẵng và miền Trung VN được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 3-2008, ông Hidetoshi Nishimura, Trợ lý cao cấp của Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã nhận định rằng, nếu cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như thủ tục thông quan mạnh hơn nữa, chính Đà Nẵng chứ không phải địa phương nào khác ở miền Trung sẽ hưởng lợi gần như tất cả trên Hành lang kinh tế Đông Tây.
Điều này không phải những nhà xây dựng chính sách không nhận ra, vấn đề là họ đã không có đủ lý luận thực tiễn để thực hiện điều đó một cách triệt để với sự đồng thuận cao từ Trung ương đến các địa phương. Rất may mắn là gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều các ý kiến phản biện về tình trạng đầu tư phân tán cũng như phê phán gay gắt tư tưởng cục bộ địa phương. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến cho miền Trung rơi vào một hoàn cảnh éo le là vốn đổ vào nhiều nhưng khả năng “tiêu hóa” kém.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, thì trong khi các khu công nghiệp lớn nên tập trung tại Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định), Đà Nẵng phải tập trung cho nhiệm vụ trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ chất lượng cao của toàn vùng. Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, mặc dù quy hoạch phát triển du lịch toàn địa bàn miền Trung đã có và phát huy hiệu quả từ Huế đến Bình Thuận, nhưng trong thực tế các tỉnh, thành phải giải quyết ngay một số hạn chế như sự trùng lặp trong phát triển sản phẩm du lịch biển, tác động du lịch đến tài nguyên và môi trường chưa được kiểm soát tốt.
Và quan trọng là miền Trung cho đến bây giờ vẫn chưa thể tiếp nhận những dự án đầu tư có tính liên kết vùng, nói chi đến những dự án liên kết với Lào, Campuchia, Thái Lan. Chính vì thế đứng trước cơ hội hàng loạt dự án với quy mô đầu tư khổng lồ đang lừng lững đổ vào miền Trung, khả năng hấp thụ tốt nguồn vốn thật sự là một thử thách rất lớn, mang tính quyết định đối với tương lai phát triển của cả vùng.
Giang Thanh