Những động thái thắt chặt thị trường tín dụng lên thị trường bất động sản đã phát huy tính tích cực, góp phần hạ cơn sốt tăng giá bất động sản đồng thời sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và đưa thị trường này đi vào quỹ đạo công khai, minh bạch.
Đầu tư vào thị trường bất động sản quá lớn
/ |
Nhà đầu tư bất động sản phải sử dụng 20% vốn ban đầu trước khi huy động các nguồn vốn khác. |
Thị trường bất động sản đặc biệt gắn bó với thị trường tài chính, tiền tệ. Riêng tiền tệ là yếu tố không thể thiếu trên thị trường bất động sản, bởi lẽ hoạt động kinh doanh bất động sản cần một lượng vốn lớn. Thế nhưng theo PGS-TS Nguyễn Văn Xa (chuyên viên Bộ Tài chính): “Thị trường bất động sản đang có khả năng sinh lời quá lớn, siêu lợi nhuận. Lợi nhuận mà các chủ dự án đạt từ 100- 200%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi của thị trường tiền tệ lại thấp”. Chính điều này làm cho nhà đầu tư không những rút hết tiền gửi về đầu tư kinh doanh bất động sản mà còn tìm mọi cách để có thêm vốn đầu tư kinh doanh bất động sản. Do đó, thị trường tín dụng bị tác động. “Nếu nền kinh tế phát triển bình thường thì thị trường tiền tệ với thị trường bất động sản nương tựa lẫn nhau để cùng phát triển. Thị trường tài chính đứng giữa người bán và người mua để thanh toán trong đầu tư và giao dịch bất động sản”, PGS-TS Nguyễn Văn Xa phân tích.
Tuy nhiên, diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước và thu nhập của người dân. Hiện nguồn vốn xã hội đã đổ dồn vào kinh doanh bất động sản quá lớn. Riêng dòng vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng hướng dòng chảy vào thị trường bất động sản. Tính riêng trong quý 1-2008, cả nước có 5,15 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư thì đã có đến 4,45 tỷ USD đầu tư vào thị trường bất động sản. Do đó, một giải pháp về chính sách thắt chặt hệ thống tài chính - tiền tệ sẽ làm bảo đảm về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư, tránh tình trạng dàn trải vốn; hạ cơn sốt tăng giá thị trường bất động sản và giảm dần tình trạng đầu cơ bất động sản. Qua đây, buộc các nhà đầu tư bất động sản cân nhắc, tính toán và đưa ra quyết định đầu tư bất động sản hay chuyển vốn vào các lĩnh vực kinh tế khác.
Cần đầu tư mạnh cho chương trình nhà ở xã hội
Thắt chặt tài chính - tiền tệ không đồng nghĩa với việc không đầu tư hay bỏ rơi thị trường bất động sản. Nhận định từ các chuyên gia tài chính cho biết: biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ có tác dụng ngược ở 3 nhóm vấn đề gồm: kìm hãm sự phát triển GDP qua nhiều dự án đầu tư dang dở; tăng “độc quyền” ở một nhóm đầu cơ tích trữ (trong đó có đối tượng tiềm lực cực mạnh về bất động sản); mất cân đối cung - cầu. Tuy nhiên, “hiệu quả ngược” này chưa ở mức nghiêm trọng lên thị trường bất động sản, bởi Bộ Xây dựng cho biết, điểm nóng của thị trường bất động sản là do phân khúc thị trường không đồng đều, nhà ở cho đối tượng chính là người có thu nhập trung bình, hộ dân nghèo vốn là thị trường lớn đang bị các nhà đầu tư bỏ quên.
Suy rộng ra, thị trường bất động sản sẽ giữ được trạng thái cân bằng, chống đầu cơ khi làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị và làm tốt nhiệm vụ phân khúc thị trường. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Cần đầu tư mạnh cho chương trình nhà ở xã hội”. Việc đầu tư vốn cho thị trường bất động sản cũng được xác định nhà đầu tư được huy động vốn khi đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng tương ứng 20% tổng vốn đầu tư dự án. Mặt khác, định hướng cho nhà đầu tư bất động sản thực hiện cho thuê hay bán quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm. Giải pháp này giúp nhà đầu tư tránh áp lực về vốn. Một giải pháp mà Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Xa đề xuất là siết chặt việc quản lý giao dịch bất động sản, buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG