.

Lãi suất huy động liệu có vượt mốc 19%/năm?

.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ mức trần lãi suất huy động 12%/năm, các ngân hàng thương mại ngay lập tức áp dụng mức lãi suất huy động mới. Tuy nhiên, để thăm dò lẫn nhau, ban đầu các ngân hàng vào cuộc một cách dè dặt, cầm chừng.

Song, chỉ sau vài lần tăng lãi suất huy động, các ngân hàng đã đồng loạt nâng mức lãi suất huy động lên trên 18%/năm. Hiện nay nhiều ngân hàng đã vượt qua mốc này như Techcombank, Sacombank, An Bình, Á Châu, Đông Á, Quân đội...

Techcombank, một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động 18,7%/năm.
Trước những diễn biến mới này, nhiều người dự đoán khả năng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ chạm ngưỡng 19%/năm. Thực tế điều này cũng rất dễ xảy ra, bởi có nhiều nguyên nhân để tin rằng từ mốc 18,6% - 18,7%/năm chỉ cần 0,3%-0,4% nữa là các ngân hàng đạt mức huy động 19%/năm. Trước hết, theo cơ chế điều hành mới, các ngân hàng được phép huy động lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố để áp dụng trong từng thời kỳ; chính điều này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng chủ động trong quyết định kinh doanh của mình.

Các ngân hàng thực hiện được định hướng lãi suất thực dương, tăng cường khả năng huy động thay vì phải chịu lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng hiện nay. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều người tin chỉ vài ngày tới lãi suất huy động sẽ chạm mức 19%/năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần, điều này sẽ khó xảy ra. Bởi, mức huy động 18,7%/năm như hiện nay đã là quá cao rồi; thực tế nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động là muốn giữ chân khách hàng hơn là huy động vốn, và đã bị lỗ khi chấp nhận mức lãi suất như vậy.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước khống chế mức cho vay không được vượt quá 21%/năm cũng khiến cho các ngân hàng thương mại cổ phần phải điều tiết lại hoạt động của mình cho phù hợp với thị trường. Song cũng phải thừa nhận rằng, việc dỡ bỏ lãi suất trần huy động đã đem lại những mặt tích cực hơn như giúp cho các ngân hàng thương mại không bị vi phạm luật, mục tiêu huy động vốn từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng sẽ dễ dàng, lãi suất thực dương, tạo sự chủ động và bình đẳng cho cả ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước...

Cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng lần này được xem là phù hợp với cơ chế thị trường, khi mà trước đó đã có nhiều dự đoán đầu tháng 6 lãi suất huy động của ngân hàng sẽ tăng và sẽ tiệm cận ở mức dưới 19%/năm. Điều đáng chú ý là cùng với lãi suất huy động các ngân hàng còn áp dụng thêm các chiêu khuyến mãi như Ngân hàng Đại Dương (OCB) triển khai sản phẩm mới “Nhận lãi trước + lãi suất cao”, khách hàng tham gia chương trình không những được tạm ứng trước tiền lãi ngay tại thời điểm gửi mà còn được hưởng lãi suất thưởng lên đến 1,6%/tháng.
 
Tương tự, trước đó Techcombank, Sacombank, ABBank, Á Châu... cũng tung ra nhiều chiêu khuyến mãi như cộng thêm lãi suất thưởng vào lãi suất huy động hay còn gọi là lãi suất bậc thang, số tiền gửi càng lớn, thời gian gửi càng lâu thì mức thưởng càng cao. Đặc biệt, ở những ngân hàng nhỏ hơn, do tiềm lực tài chính và tính thanh khoản chưa cao, nên mức huy động và mức thưởng thông thường phải cao hơn các ngân hàng khác. Điều này dẫn đến việc không ít các ngân hàng đã có mức lãi suất huy động chạm ngưỡng 19%/năm hoặc thậm chí cao hơn chút ít.

Chính vì vậy, đại diện của các ngân hàng cũng đã phải ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung trong đợt biến động lãi suất lần này. Trường hợp đỉnh lãi suất vượt 19%/năm trong một số chương trình riêng của các ngân hàng đã được điều chỉnh lại. Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường theo chiều hướng tăng trong những ngày gần đây có thể sẽ đẩy lãi suất huy động vượt qua mức này.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.