Những sai phạm trong quá trình xây dựng Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng cùng với sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch của thành phố có thể sẽ chuyển khu vực này sang hướng thương mại, dịch vụ.
Lấn chiếm trái phép ra biển hơn 160.000m2
Được phép đầu tư xây dựng vào tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vào năm 1995, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) đã cho xây dựng một nhà máy sửa chữa và đóng tàu cỡ nhỏ tại khu vực Sơn Trà, dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Một góc Nhà máy Đóng tàu ĐàNẵng. |
Năm 2003, để phục vụ công tác giải tỏa, chỉnh trang đô thị và đáp ứng nhu cầu mở rộng nhà máy đóng tàu của Tập đoàn Vinashin lên 3.000 tấn với vốn đầu tư 260 tỷ đồng, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu di dời và bố trí nhà máy tại khu vực phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cạnh chân cầu Thuận Phước. Tổng diện tích dự án Nhà máy Đóng tàu được phê duyệt là 321.070m2, trong đó, bao gồm diện tích đất liền 200.000m2 và diện tích mặt nước 121.070m2.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công hạng mục san nền, Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng đã san nền diện tích đất đã được duyệt là 200.000m2, tiếp đó san lấp luôn phần diện tích mặt nước cho thuê theo quy hoạch là 121.070m2. Không chỉ dừng lại đó, Ban Quản lý xây dựng Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng còn cho san lấp thêm 39.532m2 bên ngoài diện tích đất và diện tích mặt nước đã được quy hoạch, nâng tổng diện tích san nền sai quy hoạch được duyệt và lấn chiếm trái phép ra phần mặt nước lên đến 160.602m2.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về lý do tại sao tự ý san lấp mặt bằng và lấn chiếm trái phép ra mặt nước khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng và sai quy hoạch, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc, Trưởng ban Quản lý xây dựng Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng, thừa nhận các sai phạm trong quá trình san lấp mặt bằng và nói nhà máy đã... làm liều. Ông lý giải, nguyên nhân của sai phạm trên xuất phát từ khâu khảo sát địa hình, địa chất không chính xác nên không đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật cho việc đóng và hạ thủy tàu cỡ lớn trên 3.000 tấn.
Tại buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Văn Bằng cũng đã thừa nhận đơn vị đã làm sai nguyên tắc và phạm luật. Ông cho biết thêm, tập đoàn mong muốn nâng công suất đóng tàu từ 3.000 lên 70.000 tấn, mở rộng nhà máy đáp ứng nhu cầu rất lớn của khu vực miền Trung trong thời gian đến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong suốt thời gian qua, Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng đã không có bất kỳ văn bản nào báo cáo về việc tăng công suất và mở rộng nhà máy. Không những vậy, mặc dù UBND thành phố và Sở Xây dựng đã nhiều lần đề nghị nhà máy báo cáo, giải trình về các sai phạm nhưng nhà máy này không có sự phản hồi nào.
Chuyển đầu tư sang hướng thương mại, dịch vụ?
Trước những sai phạm nghiêm trọng của Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng, tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo nhà máy này, UBND thành phố yêu cầu đơn vị thực hiện 1 trong 2 phương án để khắc phục sai phạm.
Phương án 1 là hút đất cát, trả lại nguyên trạng theo quy hoạch ban đầu là 200.000m2 diện tích đất liền và 121.070m2 diện tích mặt nước, thành phố không chủ trương mở rộng cũng như tăng công suất đóng tàu của nhà máy lên cao hơn. Phương án 2 là có thể giữ nguyên hiện trạng đã được san lấp nhưng phải chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất trên sang hướng thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp. Thành phố ưu tiên phương án 2 bởi nó phù hợp với quy hoạch chung của thành phố hiện tại cũng như trong tương lai, khi Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường và lấy ngành du lịch, dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn.
Về phía Vinashin, ông Nguyễn Văn Bằng cho biết, tập đoàn này đã làm việc với Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng để tìm hướng khắc phục sai phạm. Theo đó, Vinashin sẽ đầu tư, phát triển khu đất trên theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ theo quy hoạch của thành phố Đà Nẵng. Theo ông Bằng, trong tháng 6-2008, Vinashin sẽ làm việc với các đơn vị tư vấn đầu tư để có phương án cụ thể đầu tư vào khu vực nhà máy đóng tàu hiện nay. Ông Bằng cũng cho biết thêm, tương lai có thể nhà máy sẽ tìm một địa điểm khác để đầu tư đóng tàu có công suất lớn hơn, còn hiện tại vẫn tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký với các khách hàng.
Tầm nhìn quy hoạch và quản lý đô thị
Cách đây 5 năm, việc chuyển địa điểm Nhà máy Đóng tàu ra khu vực phường Nại Hiên Đông (còn gọi là Cồn Ma) có thể coi là hợp lý. Tuy nhiên sau 5 năm, thành phố đã có những sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng.
Cầu Thuận Phước đang được thi công nối ra đường Sơn Trà - Điện Ngọc và tuyến đường quanh bán đảo Sơn Trà. Ngay dưới chân cầu, phía Sơn Trà là các khu thương mại dịch vụ cao tầng của Công ty 586, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Seaprodex, khu cầu cảng du thuyền cao cấp của Vina Capital, phía bên kia cầu Thuận Phước là khu đô thị Quốc tế Đa Phước, Tòa cao ốc True Friends Park-Blooming Tower Đà Nẵng 39 tầng mới khởi công. Khu vực được giao cho Vinashin trở thành “khu đất vàng” trong phát triển du lịch, dịch vụ, việc đặt một nhà máy đóng tàu (sản xuất công nghiệp) ở đấy trở nên không còn hợp lý, chưa kể những tác động không nhỏ về luồng lạch giao thông đường thủy, ô nhiễm nguồn nước, không khí và ô nhiễm tiếng ồn.
Từ thực tế đó, có thể nhận thấy công tác quy hoạch của thành phố còn thiếu tầm nhìn chiến lược.
Một vấn đề đáng nói nữa là sự lỏng lẻo trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Việc Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng san lấp trái phép mặt nước diễn ra trong một thời gian dài, trên một diện tích lớn như vậy (hơn 160.000m2) nhưng cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đô thị (cụ thể ở đây là Sở Xây dựng) đã không phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời (!).
NGỌC THỦY – ĐÀ NAM