Chưa đầy 2 tuần, sau khi lãi suất cơ bản 14%/năm được áp dụng, dường như cuộc rượt đuổi trên đường đua lãi suất vẫn chưa có điểm dừng, khi hàng loạt các ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất huy động tiền gửi VNĐ, USD và vàng.
Dự báo của giới ngân hàng, ngưỡng trần lãi suất trên 19% sẽ được thiết lập trong nay mai và các doanh nghiệp (DN) cũng đang tìm nhiều cách để đối phó với lãi suất cho vay đang tăng cao như hiện nay.
Tăng để giữ khách hàng
Một số DN khai thác đá đã phải thu hẹp sản xuất vì chi phí đầu vào và mức lãi suất vay vốn ngân ngân hàng cao. |
Mặc dù lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã vượt 18%/năm, thế nhưng lượng khách hàng đến gửi tiền vẫn không tăng theo mức dự đoán của các ngân hàng. Hiện tại, Ngân hàng Đông Á (EAB) tăng lãi suất lên 18,13%/năm; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 18,6%/năm; Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) 18%/năm; Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) 18,36%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) 18,7%/năm (ghi nhận của PV ngày 20-6)... Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng cộng lãi suất lũy tiến và nhiều phần quà hấp dẫn cho khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng.
Giám đốc một Chi nhánh NHTMCP cho biết: Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định về việc áp dụng lãi suất cơ bản sẽ là 14%/năm, hàng loạt các NHTM đã đồng loạt tăng lãi suất huy động VNĐ đều vượt ngưỡng 18%/năm, và có khả năng sẽ tăng lãi suất huy động lên mức trên 19% trong thời gian tới. Như vậy, khi lãi suất huy động chưa có điểm dừng thì lãi suất cho vay sẽ khó mà giữ ở mức 21%/năm.
Đừng trông vào vốn ngân hàng
Cách đây hơn 5 ngày, lãi suất huy động của Sacombank là 17,5%/ năm nay đã lên mức 18,6%/ năm. |
Việc tăng lãi suất cho vay lên đến 21%/năm đã khiến không ít DN phải từ bỏ kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Nhiều DN cho rằng, với lãi suất cao như hiện nay, nếu ngân hàng có “rót” vốn cho DN, DN cũng không lấy làm mừng. Ông Nguyễn Nho Chắn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến (quận Liên Chiểu) than vãn: “DN chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô nhỏ, nhưng riêng tiền vốn mà khách hàng nợ cố định cũng lên đến 500 triệu đồng.
Hơn nữa, mỗi tháng DN cần khoảng 500 triệu đồng để quay vòng vốn kinh doanh, nếu đi vay ngân hàng thì phải trả lãi cho 2 khoản vốn này lên đến trên 20 triệu đồng/tháng. Mặc dù đã có quy định về mức lãi suất cho vay tối đa là 21%, nhưng khi DN đến làm thủ tục vay vốn ngân hàng, ngoài lãi vay tối đa 21%/năm, còn có thể phải chấp nhận gửi lại ở ngân hàng từ 15-20% số tiền được vay với lãi suất không kỳ hạn. Khoản này ngân hàng gọi là tiền “ký quỹ”. Như vậy, trên thực tế, lãi suất cho vay đã vượt 21% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước sức ép lãi suất ngân hàng, giá nguyên liệu đầu vào và chí phí nhân công ngày một tăng, DN chỉ còn cách phải thu hẹp lại quy mô khai thác, điều chỉnh lại giá thành sản phẩm và lựa chọn khách hàng”.
Đã có không ít DN từ chối vay vốn với ngân hàng ở mức lãi suất 21%. Nhiều DN tự mình tìm cách xoay xở nguồn vốn để đưa hoạt động của DN tiếp tục đi vào ổn định. Giám đốc một công ty cổ phần thuộc ngành đầu tư xây dựng cho hay: “Khi lãi suất cơ bản được đẩy lên 14%/năm, chúng tôi đã huy động nguồn vốn từ cán bộ, công nhân viên trong công ty với mức lãi suất đưa ra luôn cao hơn ngân hàng huy động khoảng 2%.
Nếu tính ra, với lãi suất cho vay trên dưới 22% (kể cả các loại phí, phụ phí tín dụng) thì mức lãi suất huy động từ nguồn vốn của cán bộ, công nhân viên, DN có thể chấp nhận được. Với cách huy động nguồn vốn của DN như trên, bài toán tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đã phần nào tìm ra lời giải cho nhiều DN khác áp dụng, thay vì phải trông đợi vào nguồn vốn vay ngân hàng với mức lãi suất quá cao.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG