Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.177 DN với tổng số vốn đăng ký gần 5.500 tỷ đồng, mức độ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tăng.
Đáng chú ý là các DN cổ phần và DN sản xuất chỉ chiếm 19,7% trong số DN được cấp giấy phép, nhưng đã chiếm tới 80,4% về vốn đăng ký, tăng 24,3% về số DN và 85,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2007. Như vậy đến nay, tổng số DN được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn thành phố là 9.331 với tổng số vốn đăng ký khoảng 20.900 tỷ đồng.
Công ty Daiwa triển khai nhanh dự án đầu tư, thu hút trên 1.000 lao động. |
Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án lớn của khu vực kinh tế dân doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được khởi công xây dựng. Điển hình như các công trình Khách sạn Vegar, Hyatt Regency Danang Reort and Spa, Khu du lịch VinaCapital, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ VDA Đà Nẵng... Trong đó, nhiều dự án có số vốn hàng trăm tỷ đồng Việt Nam hoặc hàng trăm triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố cũng cấp 9 giấy phép cho 9 dự án FDI và 1 dự án được cấp phép mở rộng với tổng số vốn đầu tư mới và cấp bổ sung là 743,2 triệu USD, tăng gấp 7,95 lần so với cùng kỳ năm 2007. Đến nay, thành phố có 130 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 2,394 tỷ USD. Trong đó có 85 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện khoảng 820 triệu USD, chiếm 65,4% dự án đã được cấp phép. Doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 75 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 33 triệu USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2007), tạo việc làm cho 31 ngàn lao động.
Các DN sản xuất dụng cụ thể thao (Công ty Daiwa), đồ chơi trẻ em, hải sản xuất khẩu, hàng điện tử... sản xuất giá trị cao và thu hút lượng lao động lớn. Tuy vậy, sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng chưa tương ứng với tỷ lệ các dự án đi vào hoạt động là do một số DN không tuyển được lao động, một số còn trong giai đoạn hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn đào tạo công nhân.
Tổng vốn đầu tư ODA đạt khoảng 249,6 triệu USD, trong đó vốn nước ngoài là 185,5 triệu USD, chiếm 74,3%. Đặc biệt, dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên của thành phố vừa được ký kết với giá trị lên tới 152,4 triệu USD. Hiện dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên và dự án Trung tâm đào tạo Anh ngữ Ấn Độ đã giải ngân gần 100 triệu đồng vốn đối ứng, bằng 41,7% kế hoạch năm.
Các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để thu hút vốn đầu tư đối với các dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư các dự án cấp nước thành phố, dự án Xử lý chất thải y tế, dự án Vận tải khách công cộng bằng xe buýt, dự án Trung tâm Y học miền Trung về xạ trị… Hầu hết các dự án lớn này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục tài trợ của các năm tới.
Ngoài ra, công tác vận động thu hút vốn đầu tư từ các nguồn của các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ như các nguồn tài trợ cho các dự án Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ, dự án Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Bình Dân. Việc tổ chức thành công chương trình Bệnh viện bay (ORBIS) lần thứ 2 đã đánh dấu một mốc quan trọng về thu hút vốn đầu tư NGO.
Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại cũng đã được đặc biệt coi trọng, có 37 đoàn khách quốc tế đến làm việc và tìm cơ hội đầu tư với nhiều hứa hẹn về khả năng hợp tác đầu tư trong tương lai. Văn phòng của thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản đã hướng dẫn 30 đoàn khách Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố, mở ra nhiều triển vọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, để thu hút số lượng vốn đầu tư nhiều, cũng như phát huy hiệu quả vốn đầu tư của các dự án đã triển khai, cần tập trung giải quyết tốt một số yêu cầu như thu hút vốn đầu tư phải đi đôi với yêu cầu tăng cao vốn thực hiện (tránh tình trạng dự án treo), đẩy mạnh việc thu hút dự án mới, nhất là các dự án lớn... Đồng thời phải có các biện pháp tăng cường quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, rà soát tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, thực hiện đầu tư có trọng điểm và quy mô hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, làm tốt công tác quản lý đô thị.
Bài và ảnh : ĐỨC THỊNH