Cách đây vài tuần, cuộc rượt đuổi lãi suất (LS) huy động tiền đồng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn trở thành tâm điểm “nóng” không chỉ của giới đầu tư kinh doanh. Nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng có mức huy động vốn với LS bình quân từ 17,5% trở lên phải báo cáo phương án kinh doanh phù hợp với mức huy động, ngay lập tức, một số NHTM đã rục rịch điều tiết LS huy động và cho vay giảm nhẹ so với trước đây.
Đua để “tranh” vốn...
Khoảng 2 tuần trước, sau khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tuyên bố hạ LS cho vay đối với tiền đồng và USD so với thời điểm trước đó, đã có không ít người nhận định rằng, rồi đây LS huy động và cho vay ở các NHTM khác sẽ đồng loạt tiếp bước làm theo. Nhưng trên thực tế, hiện LS cho vay và huy động tiền đồng ở hầu hết các ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn đang giữ ở mức khá cao (LS huy động ở các NHTM vào khoảng 17,5% - 19%/năm).
Khách hàng đang giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đà Nẵng. |
Và hậu quả kinh doanh thua lỗ là điều dễ nhìn thấy trong thời gian tới. Một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng giải thích, khi NH giải ngân cho vay vốn khoảng 1 tỷ đồng, kỳ hạn vay 1 năm, LS 21%/năm, như vậy thời gian để NH thu hồi nguồn vốn này sẽ được chiếu theo kỳ hạn. Trong khi đó, vốn huy động hiện ở các NH lại khó ổn định, bởi cuộc đua LS giữa các NH đã làm cho tiền gửi của khách hàng hôm nay ở NH này ngày mai chạy sang NH khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tính thanh khoản ở các NH luôn rơi vào thế “đèn đỏ”. Và NH luôn trong tình trạng “khát” vốn là điều hiển nhiên.
Ngân hàng có lỗ?
Bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào cũng phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Kinh doanh NH cũng không phải ngoại lệ. Thời gian qua, một số NHTM trên địa bàn thành phố đã tăng LS huy động tiền đồng lên tới trên 19%/năm, sau khi trích lập khoản dự trữ bắt buộc, cộng với chi phí bảo hiểm tiền gửi thì chi phí huy động vốn lên đến trên 20%. Trong khi đó, LS tín dụng tối đa hiện được quy định là 21%/năm. Như vậy, giữa LS tiền gửi và cho vay xấp xỉ bằng nhau, các ngân hàng tăng LS ở mức trên 19%/năm sẽ phải xoay xở như thế nào để tránh khỏi thua lỗ?
Ông Võ Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đà Nẵng cho biết: “Theo báo cáo của các NHTM trên địa bàn thành phố, hiện mức LS huy động bình quân ở các NH đang dao động từ 15 - 16%/năm. Cuộc đua LS ở các NH trong thời gian vừa qua cho thấy tính thanh khoản ở các NH rất lớn. Và khi tính thanh khoản lớn, các NH sẽ tìm đủ mọi cách để huy động nguồn vốn. Đã có không ít các NH huy động vốn với LS kỷ lục, nhưng khi các DN đến đặt vấn đề vay vốn sản xuất kinh doanh với mức LS 21%/năm, nhiều NH lại không đáp ứng được. Rõ ràng là cuộc đua tăng LS tiền gửi ở các NH trong thời gian qua đã không thu hút được nhiều khách hàng đến gửi tiền như mong muốn của NH”.
Một câu hỏi được đặt ra là nguồn vốn mà các NH huy động ở mức LS cao được “rót” về đâu? Nếu huy động vốn ở địa phương mà không nhằm mục đích phục vụ cho các DN trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh thì không lẽ NH đem vốn đổ cho các địa phương khác? Hoặc nếu chỉ huy động vốn vì yêu cầu của tính thanh khoản thì tương lai vững chắc của NH lại là vấn đề đáng lưu tâm! Nếu các NH huy động vốn với LS gần bằng với mức cho vay, các NH sẽ thiết lập và tính toán phương án kinh doanh như thế nào để có lãi? Câu trả lời này chỉ có NH là biết rõ.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG