Hiện lãi suất (LS) huy động tiền đồng ở một số chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt xấp xỉ mức 20%/năm. Như vậy, LS tiền gửi đã gần bằng LS cho vay (LS cho vay tối đa 21%/năm), tuy nhiên nhiều ngân hàng lại đang gặp khó trong huy động vốn, bởi người gửi tiền cũng chạy đua rút tiền từ ngân hàng có LS thấp sang gửi ở các ngân hàng có LS cao. Cứ đà này, cuộc ruợt đuổi LS huy động sẽ khó có điểm dừng…
Điệp khúc rút - gửi
Khách hàng chọn ngân hàng có LS cao để gửi tiền. Trong ảnh: Ngân hàng Phương Đông tăng LS huy động lên 19,68%/năm (ảnh chụp ngày 4-7-2008). |
Cách đây chưa đầy 15 ngày, anh Nguyễn Tuấn Thành ở phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) đem 100 triệu đồng gửi tiết kiệm tại một Chi nhánh NHTM nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, kỳ hạn gửi 1 năm, LS trên 18%/năm. Nhưng sau vài ngày gửi tiền, anh Thành đọc được trên băng-rôn quảng cáo của một NHTM nằm trên đường Đống Đa, với mức LS huy động gần 20%/năm, cộng với nhiều phần quà hấp dẫn cho khách hàng khi gửi tiền.
Không ngần ngại, anh Thành quyết định rút toàn bộ số tiền 100 triệu đồng để sang gửi ngân hàng với lãi suất xấp xỉ 20%/năm. Do rút tiền trước kỳ hạn nên anh Thành chỉ nhận được mức LS tiền gửi không kỳ hạn của thời gian gửi. Rút kinh nghiệm, lần này anh Thành quyết định gửi tiền theo kỳ LS của từng tháng để đề phòng trường hợp ngân hàng khác sẽ tiếp tục tăng LS tiền gửi trong thời gian tới.
Ngày 20-4-2008, chị Duyên (phường Hòa Khánh Bắc) gửi tiết kiệm với số tiền 15 triệu đồng tại Chi nhánh NHNN&PTNT Đà Nẵng, hình thức gửi LS không kỳ hạn.
Chiều ngày 3-7-2008, chị Duyên ra ngân hàng rút hết toàn bộ số tiền đã gửi, sau khi chờ nhân viên ngân hàng tính mức LS không kỳ hạn trong thời gian gần 3 tháng, chị Duyên được nhận tiền lãi là 108 nghìn đồng. Cùng với số tiền này, nếu khách hàng biết cách rút ra và gửi lại tại ngân hàng hoặc mang sang gửi ngân hàng khác, với kỳ hạn 3 tháng, ít nhất khách hàng cũng nhận được tiền lãi 600 ngàn đồng/3 tháng thay vì 108 nghìn đồng như việc gửi tiết kiệm không kỳ hạn như trên.
Giám đốc một Chi nhánh NHTM cho rằng: Việc các ngân hàng đồng loạt tăng LS huy động nhưng lượng tiền gửi ở các ngân hàng vẫn không tăng là tình trạng chung. Vấn đề lo ngại của các ngân hàng hiện nay vẫn là sợ khách hàng ồ ạt đến rút tiền khi nghe thông báo về mức LS cao ở một số ngân hàng khác. Chỉ cần một ngân hàng điều chỉnh mức LS huy động mới là khách hàng sẽ kéo đến ngân hàng đòi rút tiền đang gửi cho bằng được. Để giữ chân khách hàng, cách lựa chọn duy nhất là ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng LS khi nghe tin ngân hàng khác tăng.
Tăng lãi suất - ai được lợi?
Ông Võ Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, hầu hết các Chi nhánh NHTM trên địa bàn đã áp dụng LS huy động tiền đồng khá cao, tuy nhiên lượng vốn huy động của các ngân hàng lại không tăng như mong đợi. Việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng LS tiền gửi trong thời gian qua, ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ông Minh giải thích, khi các ngân hàng tăng LS sẽ kéo theo tâm lý người gửi tiền “đua nhau” rút tiền từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác.
Và khi đồng tiền chạy lòng vòng trong một khoảng thời gian không dài thì nguồn vốn huy động ở các ngân hàng sẽ không ổn định. Khó khăn nữa là, khi LS huy động càng tăng, các ngân hàng buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi phí cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Khi LS huy động chưa có điểm dừng, thiệt hại dễ nhìn thấy nhất vẫn là ngân hàng, tuy nhiên, nếu người gửi tiền nôn nóng rút tiền khi thấy ngân hàng khác tăng LS thì chưa chắc đã có lợi. Bởi hiện nay, LS huy động ở các ngân hàng đã xấp xỉ bằng nhau. Vì vậy, khi rút tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, khách hàng cần cân nhắc và tính toán giữa cái được và cái mất. Ông Minh khuyến cáo.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG