.

Vốn cho doanh nghiệp ở đâu?

Tình trạng phổ biến hiện nay tại Đà Nẵng là các doanh nghiệp rất thiếu vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, nhưng không dám vay tiền của các ngân hàng thương mại. Nghịch lý này đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế túng bấn, bức xúc. Song, bước đầu cũng có vài doanh nghiệp mạnh dạn và chủ động tự tháo gỡ tình thế khó khăn ấy.

Lãi vay cao, doanh nghiệp lao đao

Tại Đà Nẵng, sau mấy đợt nâng lãi suất tiền đồng để thu hút tiền gửi, đến ngày 23-6, 31/34 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã áp dụng lãi suất trên 18,3%/năm; trong đó có một số ngân hàng áp dụng lãi suất gần 19%/năm. Sau khi tính toán các khoản phí phải chi, các ngân hàng đành phải cho các doanh nghiệp vay với mức lãi cao đến 21%/năm. Riêng điều đó đối với các doanh nghiệp cũng đã chứa đựng nhiều nghịch lý, vì cả trong sản xuất công nghiệp, hiện tại mức lãi của doanh nghiệp cao nhất và phổ biến cũng chỉ khoảng 12 - 14%/năm.
 
Với USD, tỷ giá trong và ngoài ngân hàng càng phức tạp hơn. Hệ thống ngân hàng thương mại được chỉ đạo tỷ giá 1 USD tương ứng 16.600 VNĐ, nhưng với tỷ giá ấy, các ngân hàng thương mại không thể bán - mua. Trong khi tỷ giá “chợ đen” của USD đã lên đến 18.600 đồng. Trước tình hình đó, hầu hết các doanh nghiệp đang rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”. Cố vay tiền để mở rộng, phát triển sản xuất, giữ nguyên giá thành sản phẩm thì không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
 
Nếu nâng giá thành sản phẩm lên, dễ mất thị phần, góp phần làm trầm trọng hơn xu thế lạm phát và suy đến cùng, doanh nghiệp đó cũng phá sản. Ngược lại, không vay vốn của ngân hàng, phần lớn các doanh nghiệp không biết bấu víu vào đâu, khi 70 - 80% vốn lưu động đều từ ngân hàng mà ra. Thiếu vốn nhưng không dám vay, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên lao đao, hoặc phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, hoặc hoạt động cầm chừng, “ráng đợi” và “giật gấu, vá vai”.

Khảo sát sơ bộ trên địa bàn Đà Nẵng, chúng tôi thấy, ở 11 doanh nghiệp Trung ương và địa phương, hầu hết các giám đốc, chủ doanh nghiệp đều tỏ ra bức xúc trước thực tế ấy. Ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Công ty CP Nhựa Đà Nẵng nói: “Chưa bao giờ chúng tôi phải lo nghĩ nhiều về sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp như hiện tại. Quá khó về vốn, nhưng đến vay của ngân hàng thì thật nan giải. Chưa chắc đã vay được đúng theo nhu cầu. Mà giá như có vay được, cứ nghĩ đến chuyện trả lãi vay đã muốn... xỉu”.

Tự cứu mình

Không phải bao giờ “cái khó” cũng “bó” được “cái khôn”. Nhiều chủ doanh nghiệp đã và đang gỡ dần tình thế khó khăn trên bằng nhiều biện pháp tích cực. Ở Công ty Điện lực 3, một đơn vị chủ quản phân phối điện năng cho 14 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên, lãnh đạo công ty đã điều chỉnh lại tiến độ đối với một số công trình thứ yếu; kiên quyết lùi lại những công trình chưa thật sự cấp bách, khó phát huy sớm hiệu quả kinh tế. Đối với chương trình đưa điện về các buôn, làng Tây Nguyên, công ty đang tìm kiếm nguồn vốn ứng trước cho các chủ đầu tư theo hướng tiếp cận phù hợp hơn với đặc thù của chương trình này.
 
Các chỉ tiêu, tiêu chí sản xuất - kinh doanh đang được “xây dựng” lại, theo hướng tiết giảm và khoán giảm, để hạn chế dàn trải nguồn vốn, phát huy sớm hiệu quả vốn đầu tư. Ông Nguyễn Doãn Bính, Giám đốc Công ty Xây dựng công trình 525 (Cienco 5) cho biết, vốn lưu động mà công ty luôn cần liên tục, phải từ 25 - 30 tỷ đồng/quý, nhưng 72% trong số đó phải vay từ các ngân hàng thương mại. Để gỡ dần khó khăn hiện tại, công ty quyết định áp dụng đồng bộ 4 biện pháp chính. Một là, đẩy nhanh tốc độ ở các khâu thi công, nhất là ở khâu thanh toán, để quay nhanh đồng vốn và giảm dư nợ ngắn hạn, trung hạn của ngân hàng.

Hoàn thiện công trình đến đâu, quyết toán ráo riết ngay đến đấy. Hai là, chỉ xây dựng những công trình mà chủ đầu tư thật sự có khả năng thanh toán sớm, dứt điểm. Ba là, chính công ty cũng phải “nhận diện” lại tiềm lực, khả năng về nguồn vốn của mình để đấu thầu, nhận thầu phù hợp đối với từng công trình cụ thể. Bốn là, cố gắng giữ vững số lao động cơ hữu, điều chuyển liên tục số lao động có tay nghề cao giữa các công trình để hỗ trợ nhau về tiến độ, đồng thời chỉ tăng số công nhân phụ trợ (lấy từ nông thôn) khi cần thiết.

Với Công ty CP Nhựa Đà Nẵng, hằng quý cần đến khoảng 150 ngàn USD để nhập nguyên liệu hạt nhựa các loại từ nước ngoài về. Hiện tại, công ty buộc phải chấp nhận cách vay USD “không giống ai” từ một số ngân hàng : Hoặc theo kiểu mua USD với tỷ giá 16.600 đồng, sau đó phải chịu thêm một khoản phí “ma” khác, gọi là phí “tư vấn tài chính”, để rồi phải trả cho ngân hàng đó theo tỷ giá gộp, chỉ thấp hơn chút ít so với giá USD ở “chợ đen”, vào khoảng 18.400 đồng; hoặc phải chấp nhận cách “đánh tráo” tỷ giá, theo hướng trước hết phải mua EUR quy đủ ra số tiền cần vay, sau đó mới chuyển đổi sang mua USD, theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước quy định.

Song, để giảm thiểu thiệt hại, gần đây, công ty này đang động viên công nhân trong công ty có thân nhân ở nước ngoài bán USD cho đơn vị với tỷ giá cao hơn chút so với tỷ giá 16.600 đồng; song phải thấp thua so với giá USD “trôi nổi” trên thị trường. Bù lại, người bán USD sẽ được mua giá ưu đãi khi tiêu thụ sản phẩm của công ty. Một số doanh nghiệp TNHH ngoài quốc doanh ở Đà Nẵng phản ứng về tình trạng một vài ngân hàng thương mại áp dụng cách cho vay “lươn lẹo”, bằng cách buộc doanh nghiệp đi vay phải “ký quỹ” trở lại (thực chất là buộc gửi lại) ngân hàng đó 15 - 20% tổng số tiền sẽ vay và số tiền gửi lại ấy chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn.

Các chủ doanh nghiệp này đành xoay sang hướng khác: huy động vốn từ nội bộ, lấy lãi suất trung bình/năm của Ngân hàng Nhà nước công bố cộng thêm 2%/năm. Dù sao làm vậy cũng thấp hơn mức lãi vay hiện tại của các ngân hàng thương mại. Với Công ty Vận tải Đa phương thức và Công ty TNHH Nhật Linh, cách làm có phần năng động, sáng tạo, cụ thể hơn. Công ty Vận tải Đa phương thức áp dụng đồng loạt các biện pháp tiết kiệm. Việc điều chuyển phương tiện luôn phải có phương án và được tính toán rất chi li, nhất là tính kỹ về khả năng tiêu hao nhiên liệu, khoảng cách, sự cố nếu có. Việc bốc chuyển container, hàng siêu trường, siêu trọng được tiến hành theo hướng kiên quyết dời ngay ra khỏi cảng, đưa về kho gần nhất của công ty (hoặc kho thuê), sắp xếp lại, sau đó mới cẩu chuyển, vận tải đi tiếp.

Tuy mất công, nhưng giảm tiền lưu cảng, tận dụng tối đa tải trọng vận tải, giảm chi phí trông coi và rút ngắn các thủ tục hành chính. Công ty cũng đã bỏ cách khoán tấn/km; coi trọng hơn tiêu chí tấn/tốc độ vận tải và xếp dỡ. Công ty cho chủ các đơn vị trực thuộc được tự chủ cao hơn, như khoán bảo dưỡng - sửa chữa, thí điểm khoán lương công đoạn, khoán số lượng sản phẩm, v.v… Tích cực thu hồi công nợ, tháo gỡ sớm tình trạng “nợ chồng nợ”, để giảm thiểu vốn vay trung hạn. Với vốn vay dài hạn, công ty chủ động tìm nguồn vốn từ các bạn hàng tài chính có tiềm lực “mạnh”, sẵn tình liên kết đầu tư. Mặt khác, công ty tạm thời dừng việc đầu tư, mua sắm các phương tiện vận chuyển, cẩu chuyển hiện đại hơn.
 
Công ty TNHH Nhật Linh áp dụng cách vay vốn tiền đồng dạng dân sinh và hạn chế rủi ro về nguồn vốn ngoại tệ theo cách chỉ đầu tư vào những lĩnh vực thu hồi vốn nhanh nhất... Mỗi doanh nghiệp một cách, nhưng trong tình trạng “khủng hoảng vốn, không dám vay” hiện nay, các chủ doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang phải tự xoay xở để cứu lấy mình, tiếp tục ổn định sản xuất, nhích các mảng kinh doanh lên thêm từng bước nhỏ...(Còn nữa)

TRẦN DANH LÂN

;
.
.
.
.
.