.

Ai về Bình Định thì về…

.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Bình Định như một cực kinh tế phát triển có tính chiến lược với vùng Tây Nguyên. Nhân dịp tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3- 8, phóng viên Báo Đà Nẵng giới thiệu những đổi thay từ vùng đất  này.

Đầu tư vào Bình Định

Tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ tại thành phố Quy Nhơn.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, giai đoạn 1992 - 2000, toàn tỉnh chỉ có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 20 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến cuối quý 2-2008, tỉnh Bình Định đã có thêm 28 dự án mới, nâng tổng số vốn đầu tư đăng ký lên 372 triệu USD với 31 dự án. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ các nước có tiềm lực kinh tế mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Đức, Singapore…

Tuy nhiên, dòng vốn FDI hiện có vẫn được lãnh đạo tỉnh đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng của Bình Định song vẫn tin tưởng, với cách thu hút đầu tư của mình, trong thời gian tới, dòng FDI sẽ đổ về Bình Định nhiều hơn, giúp tỉnh có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tài chính, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chuyển giao những công nghệ tiên tiến, đưa kinh tế các khu vực chung quanh phát triển theo.

Nếu như dòng vốn FDI còn ở mức khiêm tốn, thì Bình Định lại được đánh giá là một trong những địa phương thu hút mạnh dòng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung ở nhóm ngành nghề chính như chế biến gỗ, đá granite, chế biến nông-lâm sản…, đặc biệt là sản phẩm từ gỗ, đã tạo nên thương hiệu đặc trưng của Bình Định. Đến thời điểm hiện tại, hai khu công nghiệp Phú Tài và Long Vỹ đã có 124 doanh nghiệp vào đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.995,4 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 88%.
 
Các khu công nghiệp khác như Nhơn Hòa (272 ha), Hòa Hội (265 ha) sắp được khởi công xây dựng và tỉnh đang quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp mới là Cát Khánh và Cát Linh. Bên cạnh đó, mô hình cụm công nghiệp tại địa phương cũng phát triển mạnh mẽ, với 19 cụm công nghiệp, có tổng diện tích 455 ha đã đi vào hoạt động, trong đó 11 cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy 90-100%, thu hút 478 doanh nghiệp đăng ký thuê, với tổng vốn 315 tỷ đồng.

Dòng vốn đầu tư ngoài các khu công nghiệp, chủ yếu là đầu tư vào các lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản, khu đô thị, du lịch… cũng để lại dấu ấn rõ rệt, với khoảng 130 dự án, có tổng vốn đăng ký 20.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD). Chính làn sóng đầu tư đó đã đưa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.805, góp phần đáng kể vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, với mô hình phát triển đặc biệt, Khu kinh tế Nhơn Hội đang là khu kinh tế có sức hút cực mạnh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với hơn 50 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch…, có tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
 
Trong đó, 18 dự án đã được cấp phép (tính đến tháng 6-2008), với tổng vốn đầu tư 724 triệu USD. Chưa kể vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất về nguyên tắc đầu tư với một số tập đoàn kinh tế lớn đến từ Đài Loan, Nhật Bản chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án lớn, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Làn sóng đầu tư đang đổ về Bình Định kết hợp với sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp dân doanh đã và đang tiếp sức cho sự vươn lên mạnh mẽ của “vùng đất võ”.
 
Đi đôi với nhân tố đó, cũng cần nhấn mạnh sự chủ động tìm hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện phát triển địa phương của lãnh đạo tỉnh Bình Định, cũng như tầm nhìn chiến lược của Trung ương về vai trò của Bình Định trong sự phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Một “cực kinh tế” quan trọng của miền Trung

Cảng Quy Nhơn có công suất 4 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Bộ Chính trị và Chính phủ xác định tỉnh Bình Định (một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) là trung tâm công nghiệp, cảng biển, thương mại, du lịch, dịch vụ và đào tạo nhân lực của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cơ sở để xác định vai trò của tỉnh Bình Định trong sự phát triển chung của vùng là do địa phương hội đủ các yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế (tài chính, điện, nước, dịch vụ bưu chính - viễn thông…), cũng như nguồn nhân lực dồi dào với các trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc gia. Qua thống kê, trong những năm qua, kinh tế tỉnh Bình Định đạt những kết quả khả quan, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10% (riêng năm 2007 đạt 12,5%), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt 316 triệu USD (tăng 29%).

Đặc biệt, với Cụm cảng Quy Nhơn mỗi năm đón gần 4 triệu tấn hàng hóa, đứng thứ 3 trong hệ thống cảng cả nước, Bình Định trở thành một trong những địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển những ngành nghề tạo sản phẩm xuất khẩu, trong đó có những ngành nghề đã tạo nên “bản sắc riêng” cho Bình Định, như chế biến gỗ, lâm sản, nông sản, khoáng sản, thủy sản… Điểm nhấn quan trọng tạo sức bật cho nền kinh tế Bình Định chính là Khu kinh tế Nhơn Hội. Với tổng diện tích quy hoạch 12.000 ha, Khu kinh tế Nhơn Hội được xây dựng và phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng, gồm khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ cảng biển, các khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị mới, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt.

Với những điều kiện hiện có kết hợp với những chính sách khuyến khích đầu tư đặc biệt, Nhơn Hội mở ra nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp, trong đó có thể đầu tư quy mô lớn vào các ngành kinh tế mũi nhọn như xây dựng cảng biển, lọc hóa dầu, sản xuất lắp ráp đồ điện, điện tử, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ hàng hải, tài chính, viễn thông… Với những thuận lợi cũng như điều kiện phát triển hiện có, tỉnh Bình Định cần chọn cho mình một hướng đi tốt nhất, để phát huy có hiệu quả tiềm năng sẵn có, tạo sức bật cho kinh tế phát triển.

Tỉnh sẽ chủ động đề ra giải pháp đi trước một bước trong việc chuẩn bị hạ tầng kinh tế - xã hội, xem đây là yêu cầu thiết yếu để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt theo từng giai đoạn. Chủ trương của tỉnh là ban hành đồng bộ và minh bạch các chính sách, trong đó có chính sách khuyến khích nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.

Tỉnh Bình Định còn có những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, như thu hút nhân tài, đào tạo cán bộ, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường…, nhằm giúp các doanh nghiệp có môi trường hoạt động tốt nhất khi lựa chọn địa phương là điểm dừng chân.
                             
TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.