.

Các đại lý nhận lệnh chứng khoán đang gặp khó khăn

.

Tính đến đầu tháng 8-2008, tại Việt Nam có gần 100 công ty chứng khoán đang hoạt động. Trong khi đó, tại Đà Nẵng chỉ có một hai công ty, nhưng số lượng các đại lý nhận lệnh chứng khoán  lên đến gần 20 đại lý. Điều này khiến cho thị phần tài chính Đà Nẵng vốn đã nhỏ nay lại càng chia nhỏ hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến cho các đại lý nhận lệnh chứng khoán (NLCK) ở Đà Nẵng đang gặp thêm khó khăn.

Thị trường khó khăn, ngày càng ít nhà đầu tư đến sàn hơn.

Điểm lại quá trình thành lập các đại lý NLCK ở Đà Nẵng, cho thấy, ban đầu Đà Nẵng chỉ có 4 đại lý nhận lệnh. Đến cuối năm 2006, đầu năm 2007 khi thị trường chứng khoán Việt Nam “bùng nổ” với sự phát triển đến “chóng mặt” của các công ty chứng khoán thì thị trường Đà Nẵng cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Chỉ trong tháng 9-2007 có 5 đại lý NLCK mở ở Đà Nẵng, đó là các đại lý chứng khoán APEC, VNDirect - PVFC, SBS, SeaBank, Thăng Long.
 
Trước đó, một số đại lý NLCK như của Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Á Châu cũng đã khai trương hoạt động tại đây, và mới nhất là đại lý NLCK của Ngân hàng Ngoại thương. Và đặc biệt là sự góp mặt của 2 Công ty chứng khoán: 1 của nước ngoài là Công ty Chứng khoán Kim Eng (Singapore) và 1 ở trong nước là Công ty cổ phần Chứng khoán FPT đã làm cho “cuộc chiến” cạnh tranh thị phần tại đây thêm quyết liệt.

Trưởng một đại lý NLCK cho rằng: Việc có thêm nhiều đại lý nhận lệnh hoạt động là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay, không ít các công ty chứng khoán đang làm ăn thua lỗ, thậm chí những công ty hàng đầu như Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng không thoát khỏi cảnh thu không đủ bù chi. Chính vì vậy, liên tục trong thời gian qua nhiều công ty chứng khoán ra thông báo đóng cửa các đại lý NLCK.

Riêng tại thị trường Đà Nẵng, mặc dù chưa có công ty chứng khoán nào thông báo đóng cửa các đại lý nhận lệnh, nhưng với khó khăn chung của thị trường hiện nay thì nhiều đại lý đang ở trong hoàn cảnh thiếu vắng nhà đầu tư, sụt giảm doanh số, thậm chí một số đại lý phải cắt giảm nhân sự, hoặc phải chuyển địa điểm… Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, việc nở rộ các đại lý đã không kích thích được lượng nhà đầu tư tăng lên. Nhiều đại lý mới mở thưa thớt người, dù những đại lý này đều có những chính sách để thu hút khách hàng như giảm, miễn phí giao dịch và phí mở tài khoản, tăng cường tư vấn... nhưng vẫn không thu hút được nhà đầu tư. Đó là chưa kể không ít đại lý gần như không có người đến sàn do địa điểm khó tiếp cận, diện tích nhỏ, trang thiết bị thiếu.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến việc phát triển quá nóng của TTCK trước đây, khiến cho việc giành giật nhân sự, đẩy giá trị ảo của các nhân viên môi giới chứng khoán lên cao, bây giờ thị trường sụt giảm, việc trả lương, thưởng làm cho các địa lý gặp khó khăn.  

Song, sự phát triển nhiều đại lý NLCK cũng là yếu tố tích cực để các nhà đầu tư chứng khoán có thêm nhiều sự lựa chọn. Đương nhiên, thị trường sẽ tự đào thải rất nhanh những công ty chứng khoán kém về công nghệ và dịch vụ tư vấn, chỉ những công ty chứng khoán với dịch vụ tốt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại và ổn định, và có ý thức nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng mới có thể tồn tại được trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay. 

Tuy nhiên, giới kinh doanh vẫn nhận định rằng, trong thời gian tới khu vực này vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cho thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.