.

Thị trường bất động sản: Bất động

.

Với sự leo thang về giá của thị trường bất động sản (BĐS) trong những tháng đầu năm, thì nay thị trường này đã nằm… bất động. Tại các trung tâm địa ốc, các giao dịch ngưng trệ…

Sức mua giảm

Đất ở từ các dự án tái định cư luôn là nguồn cung dồi dào cho thị trường bất động sản.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá cả thị trường nhà đất ở thành phố Đà Nẵng rơi tự do và trở về với khung giá hợp lý trước đây. Anh Hoàng (Trung tâm Dịch vụ địa ốc Hoàng Hiệp) phân tích: “Các mức giá nhà đất hiện nay, nếu nhìn cảm tính thì ở mức cao nhưng quy đổi theo sự tăng giá của vàng, ngoại tệ (USD) thì vẫn như cũ”. Một lô đất ở tái định cư trước đây 300 triệu đồng, nay ở mức 370 triệu đồng, nếu tính theo giá vàng xem như không tăng.

Thị trường BĐS nằm… bất động bởi nhiều yếu tố khách quan. Đó là vấn đề lạm phát, giá vật liệu xây dựng tăng cao, sự thắt chặt tín dụng của ngân hàng… đã khiến cho tính thanh khoản của thị trường BĐS sụt giảm nghiêm trọng. Bi kịch là ở chỗ, giá nhà giảm nhưng không có giao dịch. Người bán, nhà đầu tư cũng không chịu nổi lãi suất ngân hàng hằng tháng, buộc họ phải bán tháo. Thị trường BĐS hiện đang bị méo mó đang là sức ép của nợ nần, của sự tiếc nuối của người bán, sự e dè, thận trọng và ép giá của  người mua!

Trong bối cảnh thị trường tụt dốc “không phanh” như vậy, một số ý kiến lại cho rằng, để thị trường BĐS hạ nhiệt ở thời điểm hiện nay là rất tốt, có lợi cho nền kinh tế. Thị trường BĐS Việt Nam sau thời gian dài tăng trưởng nóng như một “con ngựa bất kham”, nay sẽ tự điều chỉnh và sàng lọc lại. DN nào làm ăn chân chính, có tiềm lực sẽ đứng vững trong cơn bão lạm phát, còn ngược lại sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, sàng lọc, đào thải hợp quy luật chỉ diễn ra trong điều kiện bình thường của nền kinh tế có sự phát triển ổn định và cạnh tranh quyết liệt.

Cắt lỗ, quyết định không dễ dàng

Nhiều nhà đầu tư BĐS đã có dấu hiệu bỏ chạy khỏi thị trường. Ở Đà Nẵng đã có ít nhất 2 nhà đầu tư vỡ nợ và cơ quan pháp luật đã vào cuộc. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư trong tình cảnh nợ nần rất lớn. Anh Công, một nhà đầu tư BĐS nói: “Tôi đã nhanh chóng cắt lỗ trên thị trường BĐS và chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh khác để bù lãi suất ngân hàng”.
 
Mặc dù nằm trong dự tính, nhưng lạm phát đã khiến các nhà đầu tư BĐS nao núng, khi toan tính số phận những khoản tiền lớn đầu tư vào nhà, đất. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, với 1 tỷ đồng đầu tư cho BĐS vào thời điểm cuối năm 2007, đến thời điểm này, với lãi suất cho vay của ngân hàng lên khoảng 20-21%/năm và mức độ trượt giá cả năm là 30%, thì khoản tiền mà nhà đầu tư bị thiệt hại cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là, liệu các nhà đầu tư có tiếp tục kiên nhẫn đợi thị trường hồi phục, hay sẽ “xuống tay” để cắt lỗ?

Tại các mạng rao vặt, các rao bán BĐS khá nhiều, nhưng chào mua lại rất ít. Do vậy, ngay cả những toan tính “cắt lỗ” của các nhà đầu tư như thế nào cho hợp lý cũng không phải đơn giản. “Tôi rất đau đớn cho khoản kinh doanh BĐS vừa qua. Lỗ cả tỷ đồng nhưng quyết phải bán tháo để cắt lỗ. Các khu đất vốn để dành sau này làm vốn khi sa cơ lỡ vận thì nay đã được định đoạt. Nếu ôm nợ với lãi suất ngân hàng thì chẳng khác gì sống mà chờ đợi… cái chết được biết trước”, anh Công tâm sự thêm.
Trong khi các nhà đầu cơ đã và đang tìm cách rút khỏi thị trường, thì những người tìm mua nhà để ở kỳ vọng giá sẽ giảm thêm nữa và ngân hàng tái rót vốn cho thị trường BĐS.

 

“Thị trường BĐS đang trong quá trình điều chỉnh và có phần trầm lắng hơn so với các giai đoạn trước đây.
 
Đây là thay đổi mang tính thực chất. Bởi, nếu xem xét các giao dịch hiện nay thì phần lớn là các giao dịch xuất phát từ các nhu cầu sử dụng và có khả năng thanh toán thực sự, chứ không phải là giao dịch của những người mang tính chất đầu cơ, mua đi bán lại, dùng tiền vay để kinh doanh BĐS.

Nhìn chung, thị trường BĐS đang đi đúng theo định hướng của Chính phủ nhằm đưa thị trường vào sự phát triển ổn định và bền vững”.

(Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng)

 

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.