Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã liên tục đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. “Ngoại lực” từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trên cơ sở cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích kinh tế trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đà Nẵng, sàn FDI… luôn “xanh”
Dự án đầu tư cao ốc Indochina Riverside đã tạo ra làn gió mới về thiết kế kiến trúc đô thị Đà Nẵng. |
Mặc dù tình hình lạm phát và chi phí xây dựng đang tăng nhưng nhiều dự án lớn vẫn triển khai đúng tiến độ như dự án Khu khách sạn và biệt thự Crown Plaza, Khu đô thị quốc tế Đa Phước… Nét nổi bật trong thu hút vốn FDI ở Đà Nẵng là ngay từ đầu, thành phố đã tiến hành quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xác định các khu, các cụm công nghiệp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn FDI. Nhờ đó, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến với Đà Nẵng để làm ăn, kinh doanh.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 90 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, trong đó có 2 dự án đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, với tổng số vốn đầu tư 116 triệu USD. Ngoài ra, còn có 112 chi nhánh, văn phòng đại diện, kho trung chuyển. Nhìn chung, các DN FDI bước đầu hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ, sản phẩm sản xuất rất đa dạng, phong phú.
Đáng chú ý là các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc, dệt đã khẳng định được vị trí của mình trong kinh doanh, tạo được uy tín với khách hàng trong nước và trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các DN FDI chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố; nộp ngân sách khoảng 10-12 triệu USD/năm, chiếm khoảng 8-10% tổng thu ngân sách hằng năm. Kết quả hoạt động của các DN FDI đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế thành phố, đồng thời góp phần phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ-du lịch, chế biến thủy sản.
Chủ trương của thành phố Đà Nẵng là tạo mọi điều kiện, cơ hội và môi trường để thu hút vốn FDI, để nhà đầu tư các DN nước ngoài vào Việt Nam sản xuất kinh doanh, cùng hợp tác làm ăn, cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích kinh tế trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Triển vọng thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng
Đà Nẵng đã và đang thực hiện các nhóm giải pháp về thu hút vốn đầu tư FDI bao gồm: phát triển quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng; tăng cường xúc tiến đầu tư và các giải pháp khác về cơ chế-chính sách, cải cách thủ tục hành chính… Điều này xuất phát từ những cơ sở, đó là Đà Nẵng đã rút được một số kinh nghiệm trong việc thu hút vốn FDI, đặc biệt là những hạn chế trong một số cơ chế, chính sách, trong việc mở rộng đối tác nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, cởi mở hơn cho các nhà đầu tư.
Thời gian đến, chính quyền thành phố có sự quan tâm đặc biệt với các đối tác nước ngoài trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư; thực hiện tổ chức gặp gỡ định kỳ giữa chính quyền thành phố với các DN FDI để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền với các đối tác.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng đã xác định được một số ngành mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội làm ăn, có những cam kết đáng tin cậy đầu tư vào Đà Nẵng, đang hoàn tất các thủ tục cấp phép hoạt động. Triển vọng thu hút vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng còn dựa vào vai trò của thành phố động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Từ đó có thể khẳng định, triển vọng thu hút vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng là khá sáng sủa, là cơ hội để thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh hơn nữa quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng là thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
|
Bài và ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG