.

Bất cập chính sách cho nông dân vay vốn

.

Ngân hàng còn vốn nhưng không thể giải ngân, còn hàng nghìn nông dân cần thêm vốn để mở rộng đầu tư thì không  vay được. Nghịch lý này đã và đang tồn tại trong nhiều năm qua và hiện tại vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Nông dân “khát” vốn…

Vì nguồn vốn vay từ ngân hàng có hạn,  nên gia đình ông Nguyễn Thạch phải làm hồ nuôi cá giống tạm bằng những bao cát.

 Với số vốn 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang (Agribank Hòa Vang), gia đình ông Nguyễn Thạch, thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cũng chỉ xây thêm được cái bể nuôi ếch; mọi thứ còn lại từ con giống, thức ăn..., gia đình ông phải chạy vạy từng ngày. Nhìn đàn cá, đàn ếch… lớn theo thời gian, anh Nguyễn Thôi (con trai ông Thạch) mừng thầm nhưng vẫn không khỏi lo lắng: “Chỉ cần nửa tháng nữa, hồ cá và lứa ếch này ít nhất cũng thu được gần chục triệu đồng, nhưng bây giờ biết lấy đâu ra tiền mua thức ăn cho chúng, nên gia đình đành phải bán thốc bán tháo, chịu thua thiệt gần 2 triệu đồng, nhưng dẫu sao cũng thu được số tiền lời khá lớn”.

Số tiền thu được từ hồ cá và lứa ếch vừa rồi, gia đình ông Thạch đã bỏ ra một nửa xây dựng một bể nuôi ếch giống, cá giống để chủ động nguồn giống. Ông Thạch nói: “Gần 2.000m2 đất bị bỏ hoang trong mấy năm liền, biết là lãng phí nhưng không có tiền đầu tư cũng đành chịu. Nghe tin Agribank Hòa Vang cho vay vốn kinh tế hộ gia đình, con tôi đã bỏ làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh về làm vườn, nuôi cá, nuôi ếch.

Số vốn 10 triệu đồng vay ngân hàng, qua 3 tháng đầu tư chăn nuôi cũng dư ra được vài triệu đồng, tính ra thu nhập cũng khá hơn làm công nhân gấp 2 lần. Giá như ngân hàng cho vay khoảng 20 - 30 triệu đồng nữa thì cứ đà này, nhiều gia đình sẽ thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại. Nhưng rất tiếc lại không thể vay thêm được”.

Vì sao?

Hàng nghìn hộ nông dân không thể vay được thêm vốn từ ngân hàng nông nghiệp để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, phải chăng là do ngân hàng thiếu vốn? Về vấn đề này, ông Lê Thông, Giám đốc Agribank Hòa Vang cho biết: Từ thành công của chương trình thí điểm cho vay thế chấp đối với kinh tế hộ, Agribank Hòa Vang đã triển khai đồng loạt các chương trình cho vay không thế chấp đối với kinh tế hộ.

Đến nay, tổng doanh số cho vay của ngân hàng đạt 80 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm 2008, trong đó, cho vay kinh tế hộ đạt 50 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn giải ngân gần 8 tỷ đồng cho các hộ nông dân vay vốn chuyển đổi xe công nông, chuyển đổi nghề làm gạch thủ công sang sản xuất gạch lò đứng để bảo đảm về môi trường. Ông Thông cho biết thêm, hiện tổng nguồn vốn huy động của Agribank Hòa Vang tính đến hết tháng 9-2008 đạt 110 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ mới đạt 80 tỷ đồng.

Số dư ở ngân hàng vẫn còn 30 tỷ đồng. Hiện nay, Agribank Hòa Vang đã và đang áp dụng cho vay không thế chấp với mức vay là 10 triệu đồng đối với hộ nông dân theo Quyết định 67/TTg, 20 triệu đồng đối với hộ đi xuất khẩu lao động, 30 triệu đối với hộ sản xuất giống thủy sản… Vì vậy, đối với các hộ nông dân được vay vốn theo Quyết định 67, mức vay tối đa là 10 triệu đồng/hộ.

Cần bổ sung chính sách

Tại cuộc hội thảo “Chính sách tài chính nông thôn - thực trạng và giải pháp” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức trong tháng 7 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Má, Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, Nhà nước cần bổ sung chính sách đầu tư tín dụng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và kinh tế hộ nông dân.
 
Theo đó, sửa đổi Quyết định 67/TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với nông dân lên mức 30 triệu đồng; đồng thời, có chính sách ưu tiên cho các hộ nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động được vay vốn với mức cao hơn và thời gian vay dài hơn.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.