.

Bi hài với đất

.

(ĐNĐT) - Tiền “treo” hết vào đất, trong khi ngân hàng réo gọi đến kỳ đáo hạn khiến nhiều nhà đầu cơ ở Đà Nẵng khốn đốn.

Bán đất nhờ... thầy cúng

Một ngày đầu tháng 9, H, một nhà đầu tư đất đai tại Đà Nẵng, đưa tôi đến nhà “cô” T. Theo lời giới thiệu của H, “cô” T nổi danh là nhờ phép “bán đất” cho rất nhiều người muốn tháo lui khỏi thị trường ngày càng ế ẩm. “Căn cứ” của cô T nằm tít tận một vùng quê hẻo lánh.

Một điểm môi giới nhà đất vắng lặng người mua .
Đường vào nhà “cô” này ngoằn nghèo, chật chội, ken dày đủ loại xe máy tay ga cho đến xe 4 bánh biển số trắng từ phố đổ về. Mới sáng sớm đã có rất đông người, tay cầm nhang, miệng lẩm bẩm khấn cầu xin “bà bề trên” giúp bán đất.

Cô T tuổi trên 40, phấn son lòe loẹt, mắt mở ti hí, nói không ngớt lời. Chốc chốc cô lại ngước mặt lên bàn thờ, vái lạy vài cái, rồi bắt đầu viết “bùa” bán đất. H chỉ tay về phía người đàn ông trông còn rất trẻ, bụng phệ, nhưng nét mặt căng thẳng đang ngồi đối diện với cô T. Đó là ông Ch, nhà ở quận Hải Châu. Trước ôm mấy lô đất lớn, nay không có ai hỏi mua nên ông tìm đến "cô". Lần này, ông quyết bán 2 lô, giá trên 5 tỷ, nên tìm đến "cô" T.

Khi nghe "cô" T tư vấn về giá cả thị trường, về hướng đất và thủ tục “lễ, nghĩa” cúng kiếng để chôn bùa vào lô đất, ông Ch gật đầu lia lịa đầy thành tâm. Hai mảnh giấy màu trắng được “cô” bày ra trước mặt, trên viết chi chít những chữ Tàu, sau đó “cô” điền thêm giá đất từng lô vào mảnh giấy. Xong, xếp lại cẩn thận. Trước khi đưa cho ông Ch mang về, cô dặn: "Nhớ mua hương hoa cúng thổ thần khu đất, rồi chôn theo hướng... Thế nào cũng có người tìm mua”. Mặt ông Ch giãn ra, thò tay vào túi, rút ra hai tờ 500 ngàn, đặt nhẹ nhàng vào chiếc đĩa đặt trên bàn thờ, rồi ra xe phóng vội.

Ngồi từ sáng đến gần trưa vẫn chưa đến lượt, sốt ruột, tôi lôi H về. Ngoài sân, thêm 7 – 8 người nữa bước vào.

Tại Đà Nẵng, hiện có rất đông thầy, bà coi tướng số kiêm cung cấp bùa để bán đất như thầy Th, thầy D ở quận Hải Châu, bà T ở Cẩm Lệ, bà N ở Hoà Vang... Ở Quảng Nam, một số thầy cúng cũng “trúng quả” khi dân Đà Nẵng đổ vào nhờ cậy thầy bán đất. Không biết hiệu nghiệm tới đâu, nhưng trước tình cảnh ngân hàng ráo riết đòi nợ vay thì những thầy, bà vẫn còn cơ hội kiếm tiền.

Ông Q.T, nhà ở Ngũ Hành Sơn, kể, ông nghe “cô” T mang bùa về chôn. Trước khi chôn, ông cẩn thận ghi thêm số điện thoại của mình đúng y chang lời cô dặn. Vậy mà, cả tháng không nghe một tiếng chuông reo. Mang thắc mắc của mình lên hỏi. Cô T thẳng thắn cho biết, giá đang xuống, nên khuyên ông phải đổi giá, đổi “bùa”. Vậy là ông bấm bụng đổi. “Một lần như vậy tốn cả triệu chứ ít gì” - ông Q.T than. Trường hợp chị H.T thì tức cười hơn. Nghe lời thầy Th, chị mang “bùa” về chôn giữa lô đất. Chôn hơn tháng trời vẫn không bán được. Bực mình, chị đào “bùa” lên, cùng lúc hạ giá đất xuống mức “thấp ơi là thấp”. Sáng hô giá, chiều có người mang tiền đến tận nhà đặt cọc. Chị H.T bực mình: "Đã lỗ nặng rồi mà còn phải “nuôi” thêm thầy nữa mới tức chứ”.

Bán lỗ vẫn ăn mừng

Cuối năm 2007, khi cơn sốt nhà đất ở Đà Nẵng lên đến đỉnh điểm, nhiều lô ở những vị trí thuận lợi chỉ cần sang tay đã cầm chắc vài trăm triệu đồng. Cơn sốt này lan khắp thành phố, nhà nhà nhảy xô vào đất mong đổi vận. Dù chẳng hiểu ti mô gì về thị trường vốn cực kỳ phức tạp này, nhưng chị L.T.S ở quận Sơn Trà vẫn “bằng mọi giá” vay ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn mua một lô đất trên đường Phạm Văn Đồng. Sáng mua 2 tỷ, chiều đã có người “hô” 2,2 tỷ. Hôm sau, có người cầm cọc tiền tổ bố đến đặt mua với giá 2,35 tỷ. Mới có hai ngày sở hữu mà đã lời 350 triệu, nên có người trong gia đình muốn bán. Chị S nhất quyết “ghim” chờ kiếm lời nhiều hơn.

Đúng như chị nghĩ, giá đất cận tết Mậu Tý càng leo thang với mức độ “khủng”. Lúc này, nếu bán lô đất gia đình chị S đã "ẵm" trọn 700 triệu. Thế nhưng, chị lại quyết giữ. Nào ngờ, mới mồng 6 tết, mọi chuyện quay 360 độ. Lô đất đẹp là vậy, nhưng rao bán hoài mà chẳng thấy “ma” nào đến hỏi han. Thời gian càng trôi đi, hạn trả lãi và gốc cho ngân hàng đã đến, chị S càng nóng ruột hơn. Tháng 4, chị rao 2,3 tỷ; tháng 5 hạ xuống 2,1 tỷ; tháng 6 còn 1,95 tỷ; đến đầu tháng 8, chị “liều” bán lỗ với giá 1,85 tỷ...

Từ rao bán trên báo, đài, chị S cũng tranh thủ nhờ vả hết anh em, bà con, bạn bè, đồng nghiệp để họ “gả” hộ lô đất đã đến kỳ đáo hạn, nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Hết chịu đựng nổi, cuối tháng 8, chị “thả” giá 1,55 tỷ, chịu lỗ 450 triệu. Đến lúc này, mới có một cuộc điện thoại hẹn gặp bàn chuyện bán mua. Người mua là một doanh nhân, ông này kèo nhèo bớt thêm 10 triệu, rồi đặt cọc cái rụp. Bán được lô đất, chị S mừng rơi nước mắt. Ngay chiều đó, chị làm tiệc, mời anh em bạn bè đến mừng... Lý do: lỗ nhưng còn may đã bán được!

Thị trường nhà đất đóng băng khiến nhiều nhà đầu cơ "ôm hận".

Trường hợp chị S là người “dũng cảm chấp nhận lỗ” và lô đất của chị hợp hướng làm ăn của ông doanh nhân, chứ ở Đà Nẵng nhiều “nhà đầu tư bất động sản theo cảm tính” như chị S đã phải ôm hận. Khi thấy giá đất tăng vùn vụt, có người quá ham “ôm” 4 – 5 lô. Đến bây giờ khóc ròng.

Thổ lai hoàn thổ!

Đầu năm, một vụ lật kèo mua bán đất lớn nhất Đà Nẵng bị tố cáo với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Công an vào cuộc và đã bắt giam ông N.H.H, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh bất động sản nổi đỉnh nổi đám trong thời kỳ đất lên cơn sốt. Giữa năm, bà N.H.T.B.N, giám đốc công ty N.B cũng khăn gói vào tù vì tội lừa đảo với số tiền 130 tỷ đồng. Thời hoàng kim, bà B.N được coi là nhà đầu tư “đầy tiềm năng” trong lĩnh vực đất đai tại Đà Nẵng.

Ngoài hai đại gia trên, người dân Đà Nẵng cũng đã chứng kiến hàng loạt nhân vật “bỏ nhà” ra đi biệt tích như bà H.P.M, bà N.T.B... Bà P.M và T.B bị tố cáo đã huy động tiền của nhiều người để đầu tư vào đất, sau đó, mất khả năng chi trả do phần lớn vốn liếng đều nằm trong đất.

Trước đây 1 năm, các ngân hàng đều mở cửa, “ưu ái” cho vay mua nhà, đất với lãi suất rất thấp. Có nơi chỉ từ 0,9 – 1%/tháng, nên không ít người “tay không bắt giặc” vay ngân hàng mua đi bán lại trúng quả vài trăm triệu. Thấy kiếm tiền dễ, họ ham, nhắm mắt tiếp tục vay nhiều nơi với số tiền lớn hơn để đầu cơ đất. Nào ngờ... Vào giữa tháng 9-2008, hàng loạt chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thông báo điều chỉnh lãi suất vay, mức áp dụng từ 1,7 – 1,75%/tháng, khiến cho nhiều đại gia trước đó vay tiền tỷ “tháo mồ hôi hột”.

Không làm gì ra tiền, mở mắt, nhằm mắt là thấy “mấy chú” ngân hàng ngồi chèm bẻm trước nhà, khổ không chịu nổi! Nhiều người đâm nghĩ quẩn. Trước, tiền vô như nước sông Hàn. Giờ, tiền lan man như như mây, như gió. Chỉ khổ vợ con suốt ngày thấy mặt mày cau có. Bạn bè rủ nhậu, không có tiền “đậu” (tiền góp chung để trả trong bữa nhậu), nên trốn biệt tăm.

Ông bà thường nói “thổ lai hoàn thổ”, làm ăn không căn cơ, nghe theo lời người khác khi mà mình chẳng hiểu ti mô gì về nó thì chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ! Cơn sốt nhà đất ở Đà Nẵng vào cuối năm 2007 chỉ làm lợi cho một số người, nhất là cò đất. Mùa này miền Trung bắt đầu mưa. Những cơn mưa kéo dài song hành với thị trường nhà đất “lạnh lẽo” thời gian qua càng làm cho các đại gia đất đai ở Đà Nẵng thêm rầu rĩ.

Phóng sự của GIA THẠNH

;
.
.
.
.
.