.
ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG NĂM 2020

Phát triển đa cực

.

Với diện tích tự nhiên 1.555,5km2, trong đó có gần 1.000km2 diện tích đất đô thị và vùng nông thôn, đô thị Đà Nẵng được quy hoạch đến năm 2020 mang đậm dấu ấn phát triển “đa cực”  theo hướng văn minh, hiện đại.

Phát triển “đa cực”

Người dân Đà Nẵng luôn quan tâm và hài lòng về các đồ án quy hoạch đô thị.

Đà Nẵng xác định mục tiêu là trung tâm kinh tế vùng trọng điểm miền Trung với chức năng làm trung tâm kinh tế về cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính và ngân hàng. Nơi đây cũng là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế và cũng là trung tâm về văn hóa, thể thao, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ.

Về quy hoạch phát triển không gian đến năm 2020, có quy mô dân số 1,2 triệu người. Đất ở đô thị từ 18 - 20 nghìn ha; trong đó đất ở dân dụng chiếm từ 15 - 17 nghìn ha. Diện tích đất ở đạt từ 120m2 đến 130m2/người, diện tích đất ở dân dụng từ 85 - 120m2/người. Diện mạo đô thị Đà Nẵng hình thành trên cơ sở 5 khu đô thị bao gồm: khu đô thị trung tâm 2.500 ha; khu đô thị Tây Bắc 2.200 ha; khu đô thị Tây Nam 1.300 ha; khu đô thị Sơn Trà 1.500 ha; khu đô thị Ngũ Hành Sơn 3.000 ha.

Ngoài 6 khu công nghiệp và hạ tầng chuyên ngành đã được quy hoạch đầu tư, thành phố còn quy hoạch các khu du lịch tập trung gồm Nam Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, Sơn Trà-Điện Ngọc, Bà Nà-Suối Mơ, khu văn hóa-du lịch Non Nước-Ngũ Hành Sơn… Quy hoạch phát triển cây xanh với mật độ 8 - 10m2/người, công viên - thể thao được đầu tư xây dựng   khu vực đường ven sông Hàn, đường 2-9, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Suối Mơ. Thành phố quy hoạch hình thành các công viên rừng và khu bảo tồn thiên nhiên với bán đảo Sơn Trà, Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Phước Tường, Bà Nà - Núi Chúa.

Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có cảng biển, đường hàng không, đường bộ kết nối quy hoạch liên kết vùng và quốc tế. Riêng về giao thông đường bộ, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 601 và kết nối khu vực. Về giao thông nội đô, tiếp tục đầu tư hệ thống các tuyến đường ven sông, đường vành đai phía nam, đường Nguyễn Hữu Thọ nối dài sang Hòa Hải, Hòa Quý… Nâng cấp các đường giao thông kiệt hẻm, liên kết các tuyến giao thông với các khu dân cư mới… Hạ tầng cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường đầu tư phát triển phù hợp với tốc độ phát triển đô thị.

Tạo hình mẫu về quản lý xây dựng

Quy hoạch sử dụng đất tuyến ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc.

Sở Xây dựng cho biết, hai khu đô thị phía đông thành phố gồm Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn sẽ được Sở Xây dựng và các ngành liên quan thực hiện nghiêm khắc về các quy định quản lý xây dựng. Về cơ bản, các dự án xây dựng trên địa bàn quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn được quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dự án ven biển sẽ được phân nhóm quản lý như nhóm nhà ở và biệt thự, nhóm resort-khách sạn-nhà hàng, và nhóm công trình các khu vui chơi-giải trí-bãi tắm. 

Mỗi nhóm có thiết kế kiến trúc và quy hoạch đặc thù từng công trình, dự án. Đối với vệt ven sông Hàn, thực hiện quản lý quy hoạch, kiến trúc theo Quyết định 6193/QĐ-UBND của UBND thành phố đối với đường Trần Hưng Đạo. Theo đó, có quy định xây dựng về chiều cao công trình, màu sắc… Khu vực này có các dự án gồm khu phức hợp phía đông đầu cầu Sông Hàn, dự án Olalani Reverside Tower, Bến thuyền du lịch Vina Capital, khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn…

Các dự án xây dựng ven tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc phân chia theo các cụm gồm khu du lịch Bãi Bắc,  cụm dịch vụ nhà hàng nam bán đảo Sơn Trà, biệt thự Sơn Trà, bãi tắm công cộng, cụm khách sạn Mỹ Khê và khu du lịch cao cấp nam đường Hồ Xuân Hương đến giáp Quảng Nam. Ngoài ra, còn có các dự án công trình lớn khác như khu đô thị FPT, Phú Mỹ An… Các dự án này thực hiện quản lý xây dựng theo Quyết định số 10099/QĐ-UBND về quy định quản lý xây dựng các dự án có mặt tiền ven biển. Các dự án khác thực hiện Quyết định 4144/QĐ-UBND về quy định xây dựng biệt thự.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.