.

Giảm lãi suất: Doanh nghiệp lạc quan hơn

.

(ĐNĐT) - Việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất cơ bản từ 14% xuống 13% đã được các DN Đà Nẵng đón nhận với hy vọng sẽ giúp cân bằng lại tình trạng chênh lệch giữa vốn vay và vốn huy động mấy tháng qua, song lại với 2 tâm lý khác nhau.

* Doanh nghiệp nội địa: Hài lòng

Lãi suất vay giảm, các DN tự tin hơn với các đơn hàng cuối năm và đón đầu năm 2009.

Ngay khi biết thông tin lãi suất cơ bản đã hạ, một số DN thương mại Đà Nẵng tỏ thái độ lạc quan hơn. Anh Hoàng Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Hùng nói, suốt mấy tháng qua áp lực lãi vay làm DN anh không dám đặt ra kế hoạch dài hơi nào về thị trường. Còn bây giờ, với xu thế lãi vay có thể giảm dần xuống mức 18 – 19%, anh sẽ tự tin hơn với các đơn hàng cuối năm và đón đầu 2009. Ông Thái Dũng, Giám đốc Công ty Nam Sơn thừa nhận, lãi suất giảm sẽ giúp DN “dễ thở hơn 1 chút”, và nhất là thêm ý chí để duy trì hoạt động sản xuất của mình.

Theo ông Dũng, thực tế những tháng qua áp lực lãi vay luôn làm các doanh nhân như ông lo lắng. Lý do vì về bản chất, các mức lãi vay tăng đó đều liên quan đến khả năng huy động vốn vay của các ngân hàng, càng nhiều tiền mặt DN càng thuận lợi. Song, khi lãi huy động lại quá được đề cao đã nảy sinh tình trạng vốn đầu tư ở nhiều dự án sản xuất, kinh doanh bị “kéo” lại để chuyển qua đầu tư cho vay, hưởng lợi lãi suất.

Một nghịch lý về vốn diễn ra, là cùng một Giám đốc DN, nếu mang tiền cá nhân bỏ vào ngân hàng, sẽ lập tức thu lãi suất rất ấn tượng; còn đầu tư cực khổ vào dự án sản xuất, phải vay thêm tiền vốn thì chưa chắc đã có lợi nhuận cao, thậm chí chỉ đủ “bù lãi vay”. Vậy làm sao chuyển được vốn nhàn rỗi xã hội vào các dự án ưu tiên sản xuất kinh doanh chứ không theo hướng đầu tư tiêu cực là gửi tiền ngân hàng rồi chờ lãi hàng tháng?

Chính từ nghịch lý đó, đã có nhiều DN trở nên ngần ngại với các dự án dù đã xếp đặt hoàn chỉnh. Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Toàn Tâm cho hay, có ít nhất 4 dự án đầu tư của ông phải tạm gác kể từ quý 2-2008 đến nay vì thiếu vốn. Đi vay ngân hàng thì khó, mà huy động anh em bạn hữu thì ai cũng đang đầu tư bất động sản, gửi ngân hàng.

Động thái giảm lãi suất cơ bản đã giúp các DN nội địa lấy lại được phần nào những tâm lý và cơ hội tài chính trước thị trường.

* Doanh nghiệp xuất khẩu: Vẫn băn khoăn?

Tuy lạc quan với việc hạ lãi suất, nhưng nhiều DN  hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Lý do theo họ là việc giảm lãi suất vẫn cần được vận hành cùng các yếu tố tương quan khác, cụ thể là khung giới hạn vốn vay và tỷ giá ngoại tệ.

Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, mức giảm 1% lãi suất sẽ chỉ tương thích với các DN cần ít vốn lưu động, ngắn hạn, chứ chưa giải quyết được bài toán nguồn vốn dài hạn tập trung, vốn đối ứng cho các hợp đồng lớn vốn là điều mà DN xuất nhập khẩu nào cũng mong muốn có.

Đơn giản như chuyện mở LC cho một đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, các DN phải đảm bảo đủ con số đối tác yêu cầu. Nhưng do chính sách quản lý xiết chặt tiền tệ, đa số DN không những đã bị giảm tổng vốn có thể vay mà còn bị khống chế dưới hạn mức 30% tiền mặt ngân hàng. Chỉ cần các ngân hàng không đủ dư lượng tiền mặt này, LC của DN sẽ bị dừng lại. Hậu quả thế nào ai cũng biết rõ.

Hơn nữa, theo các DN xuất khẩu, tỷ giá ngoại tệ tính theo đô la Mỹ hiện nay của VND không cân đối với diễn biến thị trường tiền tệ bên ngoài. Trong khi các đồng tiền khác, kể cả EURO, đều có mức trượt giá thấp hơn đô la Mỹ trong mấy tháng qua, chính sách bảo vệ tiền tệ trong nước vẫn giữ tỷ giá ổn và cao hơn. Việc cân đối các hợp đồng thanh toán giữa các loại tiền của DN xuất khẩu trở nên khó khăn, có khi nhận tiền hợp đồng về đã thấy bị lỗ vì lãi suất chênh lệch. Ông Lĩnh nhận xét, với khung tỷ giá chưa điều chỉnh như thế, lãi suất giảm 1% chưa đủ hấp dẫn để DN an tâm mở rộng các chương trình đầu tư làm ăn và họ vẫn cứ băn khoăn để chờ đợi cơ hội tăng thêm.

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.