.

Khủng hoảng toàn cầu khác với khủng hoảng Việt Nam

.

Đơn giản là vì, người cho dù không có một chút kiến thức về kinh tế vĩ mô hay vi mô, cũng có thể nhận ra sự khủng hoảng kinh tế ở ta không giống với sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, qua hiện tượng: Để chống khủng hoảng, toàn thế giới đều hạ lãi suất (xuống gần bằng 0%/năm), trong khi đó Việt Nam thì đang diễn ra điều ngược lại, lãi suất ngân hàng lại tăng một cách dữ dội (cộng cả các loại phí lãi suất đã lên đến trên 20%/năm). Có nghĩa là về bản chất cuộc khủng hoảng ở ta không giống thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khôi phục với sự tăng trưởng cả về giá và khối lượng giao dịch của các CP. Trong ảnh: Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị truờng chứng khoán tại sàn giao dịc SAME. (ảnh :TTXVN)

Nếu thị trường Mỹ và các nước lớn khác các ngân hàng mất khả năng thanh khoản thì ở Việt Nam khả năng thanh khoản của các ngân hàng cao đến mức phải hãm lại bằng lãi suất cao. Như vậy có nghĩa, nếu khủng hoảng Việt Nam là lạm phát thì khủng hoảng thế giới là thiểu phát. Chính vì sự trái ngược bản chất khủng hoảng này mà tại một cuộc họp bàn về sự tác động của khủng hoảng toàn cầu đến Việt Nam diễn ra ngày 9-10 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS), cho biết: “Không chỉ SBS mà cả các đối tác của chúng tôi ở nước ngoài đều có nhìn nhận chung rằng trong cơn khủng hoảng tài chính này, Việt Nam hiện nay được xem là thị trường khá ổn định và độc lập”.

Ngay cả việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi các nước trên thế giới đang rơi vào khủng hoảng do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là lương thực, thực phẩm, dầu thô, hàng may mặc, giày da…, vốn là những mặt hàng thiết yếu, do vậy Việt Nam sẽ ít bị tác động hơn những quốc gia xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ như đồ điện tử hay ô-tô, rượu bia, nước hoa hay dịch vụ du lịch.

Mặc dù hiện tại, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đã “đi theo” các chỉ số khác trên thị trường chứng khoán thế giới dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng về căn bản sự “đi theo” này chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên chứ không hẳn bị tác động bởi khủng hoảng, ngoại trừ tác động của giá xăng dầu.

Bằng chứng là, nếu thị trường Mỹ thua lỗ nặng nề khi đầu tư vào địa ốc, nhà ở thì Việt Nam đang diễn ra điều ngược lại, chỉ tính riêng quỹ đầu tư của Vina Capital, kể từ năm 2004 đến nay, quỹ này đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào bất động sản với hơn 15 dự án đang được triển khai khắp Việt Nam. Sự hấp dẫn thể hiện rất rõ qua giá trị tài sản ròng tập đoàn này thu được tính đến 30-6-2008 tăng thêm đến 25,4% bất kể khó khăn trên thị trường trong nước và thế giới.

“Bởi vậy, việc suy giảm tín dụng hiện tại của Việt Nam do biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ là cơ hội cho người nước ngoài lấp chỗ trống” - Ông Matthew Koziora, GĐ kinh doanh và tiếp thị Quỹ đầu tư bất động sản Vina Capital khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Ban thư ký Liên đoàn bất động sản thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vừa qua.

Một chú ý nữa, để chống khủng hoảng, các Chính phủ G7 đang bơm tiền vào thị trường. Điều này có nghĩa một lượng lớn tiền tung vào thị trường một cách bất bình thường, khi khủng hoảng tạm lắng cũng có nghĩa là lạm phát sẽ đặt chân vào, giá cả tạm lắng sẽ lại leo thang, đồng đô la Mỹ sẽ mất giá như đã diễn ra mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất.

HỒ TRUNG TÚ

;
.
.
.
.
.