.
NGÂN HÀNG ĐỒNG LOẠT GIẢM LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VÀ CHO VAY:

"Cởi trói" cho ngân hàng lẫn doanh nghiệp

.

(ĐNĐT) - Kể từ ngày 1-10, mức lãi suất cơ bản bằng VND vẫn được giữ nguyên 14%/năm; mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND tăng lên 5%/năm; các ngân hàng thương mại (NHTM) được cầm cố tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc phát hành ngày 17-3-2008 để vay vốn, chiết khấu tại NHNN, sử dụng làm công cụ cho nghiệp vụ thị trường mở theo quy định hiện hành.

Các DN xuất khẩu có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Quyết định mới đây của NHNN nhằm hỗ trợ cho các NHTM giảm chi phí vốn, tạo điều kiện để các NHTM đồng loạt “giảm nhiệt” cho cả “đầu vào” và “đầu ra”, bước đầu mang lại tín hiệu lạc quan cho cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Ngân hàng hạ lãi suất cho vay

Theo báo cáo của NHNN ngày 30-9, ngay sau các quyết định liên quan đến điều hành chính sách tài chính tiền tệ theo hướng linh hoạt của NHNN được công bố, lãi suất thị trường đã bắt đầu có xu hướng giảm dần.

Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều chi nhánh NHTM đã tích cực tham gia vào “làn sóng hạ nhiệt” lãi suất cho vay. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) với mức lãi suất cho vay cao nhất là 18,2%/năm và thấp nhất là 17,5%/năm tương ứng với từng loại khách hàng; Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm xuống còn 19,5%/năm; Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với DN còn 18,525%/năm…

"Cởi trói" cho ngân hàng lẫn doanh nghiệp

Theo ông Châu Phước Hòa, Giám đốc Ngân hàng TMCO Á Châu (ACB) Chi nhánh Đà Nẵng, việc NHNN giữ nguyên mức lãi suất cơ bản bằng VND và tăng mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là rất hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Vì một mặt để tiếp tục kiềm chế lạm phát, mặt khác là hỗ trợ cho các NHTM giảm chi phí đầu vào. Đây cũng là cơ sở để các NHTM giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng với quan điểm này, ông Lê Văn Nhã, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Đà Nẵng, cho hay: “Có lẽ DN sẽ thấy dễ thở hơn khi nhận được sự hỗ trợ về lãi suất vốn vay từ phía NH. Đây là sự quyết định nhanh nhạy và đúng thời điểm của NHNN. Có thể nói, động thái này sẽ “cởi trói” cho cả ngân hàng và DN”.

Theo ông Trần Nguyễn Phúc Sinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sứ Cosani (Khu Công nghiệp Liên Chiểu), khi lãi suất cao, khả năng vay và trả nợ của DN sẽ “co cụm” lại, trong khi vốn NH huy động về ứ đọng thì nguy cơ rủi ro cao. Ông nói: "Tôi tin rằng, việc NHNN điều hành chính sách tài chính tiền tệ theo hướng linh hoạt thì lãi suất huy động và cho vay của các NHTM sẽ dần “giảm nhiệt” và sẽ đi vào quỹ đạo ổn định”.

Trong thời điểm còn khó khăn hiện nay, theo các DN, đã đến lúc phải có sự đồng thuận để cả người gửi tiền, DN và NH cùng có lợi. "Vấn đề là lãi suất cho vay ở mức hợp lý để thu hút được DN vay vốn và như thế NH mới cần huy động vốn. Hiện, lạm phát đang giảm dần qua các tháng, vì vậy lạm phát giảm đến đâu lãi suất NH nên theo đến đó, được như thế mới vẹn cả đôi đường. Điều này vừa đảm bảo được lợi nhuận và tính thanh khoản của NH, vừa đảm bảo mức lãi suất hợp lý để DN chấp nhận vay vốn của NH để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lê Quang Hà, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Sức trẻ (Khu Công nghiệp Liên Chiểu, Đà Nẵng), bày tỏ.

 

* Ông Trần Trịnh Bảo - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng:

Việc các NHTM giảm lãi suất cho vay và nếu giảm bình quân 1%/năm thì DN sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để DN ổn định sản xuất, tiến đến hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận góp phần nâng cao đời sống cho người lao động.
 
* Ông Nguyễn Đức Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nhật Hoàng:

Một số NHTM giảm lãi suất cho vay trong mấy ngày qua đã góp phần giúp DN "giải" được bài toán thiếu nguyên liệu chế biến thủy sản đang trầm trọng như hiện nay. Khi lãi suất cho vay còn cao, các DN vừa và nhỏ như công ty chúng tôi không dám đầu tư nhiều nguyên liệu, bởi áp lực về lãi suất, dẫn tới việc hoạt động sản xuất không bền vững, công nhân thiếu việc làm, DN không mở rộng được sản xuất.

Lãi suất cho vay của NH hạ thấp, giúp nhiều DN dễ "thở" hơn, góp phần "giải tỏa" những bế tắc. Ngay sau khi lãi suất cho vay giảm, công ty đã ký hợp đồng mua 500 tấn nguyên liệu, phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong những tháng tới.
 
Vĩnh An (ghi)

 

CÔNG THÁI

;
.
.
.
.
.