.
NGÂN HÀNG GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn

.


Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) liên tiếp hạ lãi suất (LS) cho vay, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp (DN), nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại khó có thể vay được vốn với mức LS mà NH đã công bố. Vì sao lại có sự trái khoáy này?

DN “khát” vốn...

Do lãi suất vẫn ở mức cao nên nhiều DN không dám vay vốn để mở rộng sản xuất.

Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 9.600 DNNVV, 45.000 hộ kinh doanh cá thể, chiếm 97% tỷ lệ đăng ký kinh doanh; hằng năm đóng góp trên 30% GDP của thành phố...

Nhưng hiện tại, các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn để duy trì cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở thời điểm này, các NH đã giảm LS cho vay, tuy nhiên với mức giảm như hiện nay là không đáng kể, hơn nữa, các DNNVV lại rất khó tiếp cận được nguồn vốn với mức LS giảm ở các NH bởi nhiều lý do, như vướng mắc về thủ tục, điều kiện vay vốn còn quá khắt khe. Mặt khác, nhiều DN đủ điều kiện vay vốn nhưng với mức LS cũng gần sát nút trần lãi suất cho vay, khiến nhiều DN dù thiếu vốn cũng không dám vay NH.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, các NH đã liên tiếp công bố hạ LS cho vay, có NH 1 tháng giảm lãi suất cho vay tới 3 lần. Tuy nhiên, hiện tại LS cho vay phổ biến vẫn ở mức cao, LS cho vay ở các NHTM cổ phần vẫn giữ ở mức từ 19,5 - 20,5%/năm. Bà Lê Thị Hiệp, chủ DNTN Đỗ Gia Viên cho rằng:

Trong tình hình khó khăn như hiện nay, giả sử các NH có cho DN vay vốn với mức LS từ 19-20%/năm, chắc chắn cũng chẳng DN nào dám vay vì sợ mở rộng làm ăn sẽ bị lỗ vốn. Hơn nữa, đâu phải DN nào muốn vay cũng được, bởi khi LS cho vay giảm thì thủ tục và điều kiện để vay được vốn lại chặt chẽ. Chẳng hạn, DN muốn vay được vốn phải có báo cáo tài chính, nhưng DN mới thành lập, làm ăn chưa có lãi, lấy đâu thành tích mà báo cáo. Vì thế, DN muốn vay vốn chỉ còn cách thế chấp tài sản, bất động sản, nhưng khi đến thế chấp tài sản này lại bị các NH áp giá cho vay thấp, và nếu không chấp nhận, phần lớn bị các NH từ chối cho vay.

NH bỏ lơ DN nhỏ?

Đã có không ít NH trên địa bàn thành phố công bố giảm LS cho vay xuống mức thấp nhất 18-18,5%/năm. Tuy nhiên mức LS này, các NH thường ưu tiên cho các DN lớn, DN nằm trong danh sách ưu tiên của ngân hàng, thuộc nhóm khuyến khích hỗ trợ vốn của Chính phủ.

Việc NH e ngại cho DNNVV vay vốn vì cho rằng, đa số DN nhỏ chưa minh bạch tài chính, nguồn vốn tự có thấp, khả năng tiếp cận thông tin và thị trường hạn chế... Hơn nữa, khối DNNVV thường có báo cáo tài chính mang tính đối phó với cơ quan thuế, việc hạch toán kế toán nhiều khi chưa chính xác, không đúng tình hình thực tế, và không chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay. Nhiều NH từ chối cho DNNVV vay vốn vì cho rằng lợi nhuận thấp, các món vay bị chia nhỏ, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn. Và khi DN xảy ra rủi ro, phía NH sẽ gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian trong khâu xử lý nợ.

Để NH và DNNVV cùng tìm ra các giải pháp và tiếng nói chung trong việc giải quyết vốn vay cho DNNVV, đa số lãnh đạo các NHTM đều cho rằng: Trước hết, DNNVV cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực, chủ động huy động nguồn vốn từ chính nội lực của DN; đồng thời, việc xây dựng dự án, phương án đầu tư phù hợp với năng lực vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt phải minh bạch về tài chính.
 
Và điều quan trọng, phía DN cần phải chứng minh cho NH thấy được hiệu quả kinh doanh rõ ràng như khó khăn và thuận lợi của dự án, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch trả nợ cho NH. Các DN hội tụ được những yếu tố này, chắc chắn rằng việc giải ngân cho vay vốn đối với DNNVV sẽ dễ dàng hơn.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.