.

Ngân hàng giảm lãi suất, DN dễ thở hơn

.

(ĐNĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành hàng loạt quyết định về điều chỉnh lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam (VND) và thanh toán tín phiếu NHNN bắt buộc trước thời hạn.

Ngân hàng giảm lãi suất, DN sẽ đẽ tiếp cận vốn vay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Các quyết định trên của NHNN (lãi suất cơ bản VND còn 13%, trần lãi suất cho vay từ 21% xuống còn 19,5%...) được coi là động thái kịp thời nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Trao đổi với chúng tôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng, Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh, cho rằng: Hiện, lạm phát của nước ta có xu hướng giảm rõ rệt qua các tháng, chiều hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2009, trong khi nhập siêu thấp dưới 30% so với kim ngạch xuất khẩu. Hơn nữa, thời gian qua, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong nước được duy trì ổn định và đảm bảo thanh toán. Vốn bằng VND và ngoại tệ của các NHTM có hiện tượng dư cung, các NHTM đảm bảo khả năng thanh toán ở mức cao. Đó là những căn cứ chủ yếu để NHNN đưa ra hàng loạt quyết định nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng giảm lãi suất

Ngay trong ngày đầu tiên các quyết định của NHNN có hiệu lực (21-10), các ngân hàng thương mại (NHTM) có chi nhánh tại Đà Nẵng đã có những phản ứng tích cực trong việc áp dụng hạ lãi suất cho vay và huy động vốn.
 
Ngân hàng Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Đà Nằng cho biết, mức lãi suất cho vay thấp nhất bắt đầu áp dụng từ 22-10 là 17,8%/năm. Agribank Đà Nẵng cũng quyết định giảm lãi suất cho vay đối với hai đối tượng khách hàng truyền thống, trong đó lãi suất cho vay VND đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp xuống còn 16,5%/năm (giảm 4,5% so với đầu năm); đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu giảm xuống còn 16,8%/ năm.

Trong khi đó, lãnh đạo NHTMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Đà Nẵng cho hay sẽ thực hiện theo lộ trình giảm lãi suất của toàn hệ thống, với mức dự kiến lãi suất giảm trong khoảng từ 0,5% - 1%/năm.

Doanh nghiệp: Dễ thở hơn với lãi suất vay

“Với những biện pháp được thực hiện cùng lúc như trên sẽ khiến hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản tốt hơn và dòng vốn sẽ dồi dào, nhiều DN dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn và giúp nhiều DN thêm vốn phục hồi sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, kích cầu sức mua của dân chúng đang có xu hướng chậm lại…”, Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh nhận định.

Theo ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Đà Nẵng, với những động thái mới này, trong thời gian tới chắc chắn DN sẽ dễ thở hơn với chi phí lãi suất vốn vay của ngân hàng, bởi mức trần lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ xuống còn 19,5%. Nhờ vậy, các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý để tiếp tục ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song, bên cạnh những tín hiệu lạc quan từ các giải pháp của NHNH, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất cơ bản không đồng nghĩa với việc DN sẽ nhẹ gánh hơn với vốn vay. 

Ông Hồ Văn Thanh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) Chi nhánh Đà Nẵng lo ngại: Các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay là tất yếu, nhưng nhiều ngân hàng vẫn không dễ giải ngân và tăng cho vay. Nguyên nhân là NHTM vẫn còn vướng bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng (tăng trưởng không vượt quá 30%). Hơn nữa, còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ phía DN như tài sản đảm bảo của DN, mối quan hệ tín dụng… “Vì trong thời điểm hiện nay, tính an toàn và hiệu quả của nguồn vốn phải đặt lên hàng đầu. Nếu không thẩm định các dự án, tài sản đảm bảo… một cách thận trọng thì mình sẽ tự làm khó chính mình và làm khổ DN sau này”, ông Thanh khẳng định.

CÔNG THÁI

;
.
.
.
.
.