.
Nhà máy Sữa Đà Nẵng

Có phải là dự án “ảo”?

.

Dự án Nhà máy Sữa Đà Nẵng của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) từng được đánh giá là một dự án tầm cỡ của thành phố, với tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, thế nhưng thực tế có vẻ như không mấy khả thi, mặc dù các cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư triển khai SXKD. Cụ thể, nhà máy được bố trí tại địa điểm đẹp trong KCN Hòa Khánh, diện tích 300 nghìn m2, được chấp thuận đầu tư từ năm 2004.

Dự án Nhà máy Sữa Đà Nẵng mới chỉ có kho hàng.

Công ty CP Sữa Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy từ quý 1 năm 2005 đến quý 4 năm 2006. Nhưng sau hơn 4 năm, dự án này vẫn “án binh bất động”, chỉ xây dựng nhà kho, tường rào. Chủ đầu tư chưa xây dựng các công trình, dây chuyền sản xuất cần thiết của một nhà máy sữa hiện đại, có quy mô lớn như thỏa thuận đầu tư đã ký kết, mà chỉ cho xây dựng nơi đây một kho chứa hàng trên 1 nghìn m2.

Chị Đào Thị Hiền, Tổ trưởng giám sát kho hàng cho biết: “Tôi không biết nơi đây có xây dựng nhà máy sản xuất sữa hay không. Với chức danh là tổ trưởng quản lý kho hàng, tôi chỉ biết nhận và xuất hàng từ các nhà máy sản xuất sữa ở Nghệ An, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn về chứa ở đây. Kho hàng này được xây dựng vào cuối năm 2007”. Liên lạc với ông Trần Minh Sơn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Sữa Việt Nam tại Đà Nẵng, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng: Hiện việc triển khai nhà máy sản xuất sữa còn khó khăn, công ty sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng nhà máy sản xuất sữa trong thời gian tới.

Nhà máy sản xuất sữa Đà Nẵng đã hết thời hạn đầu tư, chưa đi vào sản xuất trong thời gian khá lâu, thế nhưng vì sao các cơ quan chức năng không thể thu hồi giấy phép đầu tư, cấp phép đầu tư cho dự án khác khả thi hơn? Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng cho biết, đối với dự án xây dựng Nhà máy Sữa Đà Nẵng, có 2 nguyên nhân khó cho Ban Quản lý.
 
Thứ nhất, mặc dù dự án này đã hết thời hạn đầu tư nhưng chủ đầu tư đã xây dựng kho chứa hàng, biết đâu trong thời gian tới, chủ đầu tư sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất. Thứ hai, nếu thu hồi đất của dự án này, ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết, Ban Quản lý phải làm việc với nhà đầu tư để có cơ sở rút gấy phép. Vấn đề nan giải hiện nay là giải quyết tài sản trên đất, chủ đầu tư mới phải mua lại tài sản trên đất của dự án cũ, mặc dù tài sản này không đúng với thiết kế xây dựng của nhà đầu tư mới.

Hậu quả của các dự án đầu tư không hiệu quả đang ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ phát triển ngành công nghiệp thành phố. Các dự  án có nguy cơ “ảo”, chiếm đất tại KCN Hòa Khánh trong thời gian dài, mặc dù rất khó xử lý nhưng thiết nghĩ cần phải giải quyết triệt để, giao cho các chủ đầu tư mới có phương án sản xuất  khả thi.

Bài và ảnh: TRẦN MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.