Vinamilk, Vincom và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác nữa từ lâu đã muốn bán cổ phiếu của mình ra nước ngoài. Chính sách đã có, nhưng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), vẫn còn một số điều chưa rõ ràng, nên khi triển khai thì lúng túng. Vậy phải bắt đầu “gỡ” từ khâu nào?
Các nhà đầu tư theo dõi sự biến động của thị trường trên sàn giao dịch. (Ảnh tư liệu) |
Tìm kiếm con đường mới
Theo SSC, hiện nay chỉ có một vài DN như Vinamilk, Vincom… đã nộp hồ sơ xin niêm yết ra sàn quốc tế. Nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi chính họ còn chưa biết khả năng của mình có đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế không? Họ cũng chưa có những hiểu biết về tiêu chuẩn niêm yết sàn nước ngoài, điều kiện kỹ thuật, cũng như pháp luật hay vô vàn những quy định khác khi tham gia vào một sân chơi quốc tế.
“Hội thảo quốc tế về niêm yết chứng khoán của DNVN ra nước ngoài theo sáng kiến của Báo Thế giới & Việt Nam sẽ thu hút được nhiều cơ quan hữu quan, các định chế tài chính quốc gia, các DNVN đang mong muốn tham gia niêm yết phát hành chứng khoán ra nước ngoài được tiếp cận vốn đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời là một bước chuẩn bị và học hỏi phương pháp quản trị tiên tiến của các thị trường phát triển như Singapore. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang soạn thảo quy định về niêm yết/chào bán chứng khoán ở nước ngoài, nhằm khắc phục khoảng trống chính sách cũng như giúp doanh nghiệp có cơ sở pháp lý khi xuất khẩu chứng khoán ra bên ngoài”. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, SSC nói.
Chia sẻ ý kiến này, ông Vũ Sơn Thủy, Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức cho biết: “Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì việc niêm yết/chào bán chứng khoán của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế là một hướng đi cần thiết. Do vậy, Hội thảo chính là một cơ hội để các DNVN hiểu biết kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này cũng như các quy định pháp lý quốc tế và các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho việc niêm yết/chào bán chứng khoán tại thị trường chứng khoán Singapore”.
Nên viết tên mình nơi đâu?
“Sàng khôn” cần tìm bấy lâu thực chất là các vòng nằm trong hội thảo trên. Các DNVN có tiềm lực, hoặc đã và đang “nung nấu” ý định viết tên mình lên bảng điện tử của các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội đi “thực địa”, để học một trong những “sàng khôn” ấy tại Singapore sắp tới.
Qua nhiều khảo sát cho thấy, Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) là một sàn trung bình, nhưng có mức độ quốc tế hóa cao, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, có sự kết nối với các sàn quốc tế khác, có cùng múi giờ với Việt Nam và bản thân Singapore cũng muốn trở thành trung tâm chứng khoán ở khu vực. Lựa chọn được sàn này thực sự là một cơ hội lớn cho DNVN. Thêm một điều kiện thuận lợi khác là SSC đã ký với SGX thỏa thuận hợp tác về kết nối giao dịch chứng khoán giữa hainước.
Cơ hội thực tế
|
Vòng 2 tại Singapore diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-11-2008, bên cạnh chương trình Hội thảo chính còn có một chương trình giao lưu đối tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore với sự hỗ trợ của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tìm hiểu chính sách, thủ tục niêm yết và thăm Sàn Giao dịch chứng khoán Singapore - một sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu châu Á và gặp gỡ trực tiếp các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo có sự tham dự của Chính phủ hai nước Việt Nam-Singapore, nhiều tổ chức ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính quốc tế, các công ty môi giới chứng khoán, tư vấn luật cùng hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Singapore.
HÒA BÌNH