Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) trong những tháng cuối năm ở mức khá cao: 57,7% đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài; 81,5% đối với DN quốc doanh và 90,2% cho DN dân doanh.
Cuối năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng cao. |
Bởi, bên cạnh việc giảm lãi suất cơ bản thì việc giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thực hiện một số biện pháp về hoạt động tín dụng cũng được triển khai đồng loạt. Với việc áp dụng các quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trên thị trường đã có những phản ứng tích cực; theo đó lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng giảm từ 19,5%/năm xuống 18%/năm, cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp được khơi thông. Bên cạnh đó, việc 18 ngân hàng thương mại đã ngồi lại với nhau, đánh giá lại tình hình lãi suất đã phần nào giảm bớt căng thẳng trong cung cầu vốn tín dụng cho DN.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung cho các lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất, nông nghiệp và nông thôn… Theo đó, một số ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã áp dụng lãi suất cho vay bằng VND từ 15% - 16%/năm, đặc biệt cho vay hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn là 15,5%/năm, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 15,9%/năm.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã áp dụng lãi suất cho vay bằng VND từ 15% - 16%/năm cho các lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu... Song, cả 2 đều áp dụng chính sách này đối với các đối tượng khách hàng ưu tiên của mình. Riêng khối ngân hàng TMCP, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã giảm mạnh lãi suất cho vay VND từ 17,5%/năm xuống còn 16,2%/năm, áp dụng từ ngày 30-10.
Đây cũng là mức lãi suất cho vay thấp nhất ở thời điểm này trong khối cổ phần và cạnh tranh ngang ngửa với các ngân hàng quốc doanh. Riêng trên thị trường Đà Nẵng, đi đầu trong việc tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Trong 2 ngày 6 và 7-11, Techcombank đã tổ chức 2 buổi hội thảo: một là tài trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu; hai là hội thảo vay vốn nhanh và hiệu quả dành cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Đây là tín hiệu tích cực nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ bớt khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng, khi trong gần một năm qua vì lãi suất quá cao, điều kiện vay khắt khe nên nhiều doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng đói vốn.
Ông Nguyễn Diễn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: Hiện tại ước tính khoảng 10,5% DN nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ngân hàng; trong khi đó có đến trên 73% DN hiện đang gặp khó khăn về vốn. Vì vậy, việc khơi thông nguồn vốn cho DN là hết sức cần thiết trong lúc này. Mặt khác, đa số DN trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, đang cần nguồn tín dụng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Cho nên việc giảm lãi suất cho vay như hiện nay sẽ giúp các DN đỡ khó khăn hơn.
Để thu hút khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn trong thời điểm này, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Song, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hồ sơ vay vốn của các DN thường không rõ ràng, nhiều điểm còn thiếu chính xác và chưa thuyết phục được ngân hàng. Theo tiết lộ của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, hạn mức tín dụng dành cho vay doanh nghiệp cuối năm vẫn còn tương đối lớn, ngân hàng sẽ không thiếu vốn để phục vụ cho đầu tư sản xuất - kinh doanh, nếu dự án đó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
Bài và ảnh: Thành Lân