.

Giảm mạnh lãi suất cơ bản

Mặc dù vào những ngày cuối tháng 10-2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại nhằm giúp cho các doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình tiếp cận vốn vay ngân hàng với mức lãi suất hợp lý nhưng dường như thị trường phản ứng lại rất yếu ớt. Lý do là so với tình hình sản xuất kinh doanh thực tế, lãi suất cho vay vẫn còn khá cao.

Ngày 3-11-2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt các quyết định quan trọng, có hiệu lực thi hành từ ngày 5 tháng 11 năm 2008, nhằm hỗ trợ cho thị trường tiền tệ khởi sắc, đồng thời tạo điều kiện để vốn tín dụng được cho vay ra với mức lãi suất thấp hơn so với trước đây mấy ngày:

Quyết định 2559/QĐ-NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Theo Quyết định này, lãi suất cơ bản giảm 1%/năm ,dừng ở mức  12%/ năm. Với mức lãi suất cơ bản này, các ngân hàng thương mại sẽ áp dụng mức lãi suất huy động và cho vay tối đa 18%/năm (giảm 1,5%/năm so với trước). Trên cơ sở mức lãi suất cho vay tối đa này, một số ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam đã bắt đầu công bố giảm lãi suất cho vay.
 
Thông tin bước đầu cho thấy, NHNN áp dụng lãi suất cho vay đối với các khách hàng thuộc đối tượng ưu tiên của mình từ 15-16%/năm, cho vay hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn 15,5%/năm, cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ 15,9%/năm; Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho vay đối với các khách hàng ưu tiên 15-16%/năm… Với các mức lãi suất cho vay mới này, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp có phần dễ chịu hơn.

Các loại lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại đều giảm 1%/năm theo Quyết định 2561/QĐ-NHNN. Mức giảm này sẽ làm cho khả năng lưu thông vốn trên thị trường liên ngân hàng được đáp ứng nhanh chóng hơn, từ đó các Ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được giảm 1% đối với tiền gửi đồng Việt Nam, và giảm 2% đối với tiền gửi ngoại tệ. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 16-1-2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là mong đợi từ lâu nay của các ngân hàng thương mại .Điều này đồng nghĩa với việc một khối lượng vốn tương đối sẽ được bơm trở lại nền kinh tế để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cùng ngày ban hành ba quyết định quan trọng nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản 9776/NHNN-CSTT về thực hiện một số biện pháp tín dụng và lãi suất. Theo văn bản này, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất kinh doanh bằng đồng Việt Nam, phù hợp với quy định của ngành và phù hợp với năng lực của từng ngân hàng thương mại; yêu cầu tập trung vốn cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, kể cả các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn.

Cũng theo văn bản này, Thống đốc yêu cầu các NHTM cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với một số khoản nợ chậm trả do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Với việc ban hành đồng thời nhiều văn bản để điều chỉnh thị trường tiền tệ theo hướng nới lỏng như vừa nêu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang cố gắng hết mình để hỗ trợ cho sản xuất phát triển. Hy vọng những cố gắng của Ngân hàng Nhà nước sẽ mang lại những kết quả khả quan trong thực tế.
 
MINH HUY

;
.
.
.
.
.