.

Khơi thông dòng vốn tín dụng

Với quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống 12%/năm, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở tất cả các loại nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, chủ động bơm tiền vào lưu thông, qua đó tiếp sức cho những nỗ lực vượt khó của nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Hệ thống ngân hàng thương mại đã đồng loạt hưởng ứng chủ trương này, lãi suất huy động bắt đầu giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt lãi suất cho vay một số đối tượng ưu đãi đã giảm đến mức 15%/năm. Trên thực tế đây là điểm rơi lãi suất “khá đẹp” cho đến thời điểm này và đến sớm hơn so với những dự báo được xem là lạc quan nhất, điều này cũng chứng tỏ nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng rất tốt.

Riêng các doanh nghiệp gần như cất được phần lớn gánh nặng tâm lý căng thẳng về vốn, mở ra nhiều cơ hội hơn để tiếp cận trở lại nguồn vốn ngân hàng. Từ nay trở đi, các doanh nghiệp có thể tập trung tâm sức vào công việc chính của mình, đó là phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tiếp thị, mở mang thị trường mới...

Trong giai đoạn hiện nay và sắp đến, hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng chảy của nguồn vốn tín dụng, kịp thời đưa vốn đến các địa chỉ đáng tin cậy, theo phương châm “Đúng nơi, đúng lúc và đúng mức”.

Trước mắt, cần tiến hành thẩm định và hỗ trợ các doanh nghiệp cơ cấu lại những khoản vốn đã vay trước đây với lãi suất cao, nợ đến hạn, hoặc quá hạn do nguyên nhân khách quan thông qua các biện pháp gia giãn, ân hạn nợ, thỏa thuận điều chỉnh giảm một phần lãi suất phải trả nhằm giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
 
Tất nhiên thỏa thuận này phải được sự đồng thuận giữa hai bên, bảo đảm tính pháp lý cũng như khả năng chấp nhận của ngân hàng do đã phải gánh chịu lãi suất huy động đầu vào rất cao thời gian trước đây. Riêng đối với những công trình, dự án đầu tư dở dang, hoặc buộc phải tạm dừng triển khai đột ngột vì nguyên nhân thiếu vốn thì phải sớm có sự đánh giá lại hiệu quả tổng thể và tính khả thi của dự án để có căn cứ tiếp tục giải ngân.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ và nối lại cung ứng tín dụng bình thường là hai việc khác nhau. Nới lỏng để tạo lập các yếu tố ổn định vĩ mô cho tăng trưởng kinh tế nói chung, còn việc cấp tín dụng phải căn cứ vào thực tế cụ thể của từng công trình dự án, trên tinh thần đó cũng cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết đình hoãn hoặc từ chối cho vay nếu xét thấy dự án thực sự không còn khả năng hoàn vốn, nguy cơ rủi ro cao, sức cạnh tranh yếu, kém hiệu quả... Trong những trường hợp như vậy, thiết nghĩ các doanh nghiệp cũng nên có sự ủng hộ và hợp tác với hệ thống ngân hàng vì mục tiêu lợi ích chung.

Một vấn đề quan trọng khác, quá trình khơi thông dòng chảy vốn tín dụng cần bám sát những định hướng của chính sách tiền tệ đã đề ra, đó là ưu tiên tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông-lâm-ngư nghiệp, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động trực tiếp...
 
Riêng lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản cũng cần có sự cân nhắc thận trọng, chỉ giải ngân khi bảo đảm các tiêu chí khả thi, hiệu quả, có khả năng trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào thực tiễn, trước hết các ngân hàng cần có sự công khai, minh bạch về chính sách khách hàng, công bố rõ các tiêu chí vay vốn cũng như các điều kiện ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng, tránh tình trạng mập mờ gây hiểu lầm, nói nhưng không làm, hoặc làm cầm chừng.
 
Về phía khách hàng, cần chủ động tiếp cận các luồng thông tin chính thống từ các ngân hàng phục vụ đưa ra những yêu cầu hợp lý, hoặc thông qua các Hiệp hội ngành nghề kịp thời đề đạt các kiến nghị cụ thể, có căn cứ đến các cấp, các ngành để nghiên cứu giải quyết.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.