.
BẢO LÃNH VAY VỐN THEO QUYẾT ĐỊNH 14 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Vì sao khó thực hiện?

.

Ngày 21-1-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng thương mại. Căn cứ quyết định trên thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100% vốn Nhà nước) có nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.
 

Cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu Nguyễn Hùng (quận Cẩm Lệ) là doanh nghiệp nhỏ, thu hút nhiều lao động, rất cần sự bảo lãnh để vay vốn.

Quyết định này thực sự là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, có chiến lược lâu dài và có khả năng hoàn vốn, nhưng không có tài sản thế chấp và các điều kiện khác để vay vốn của các ngân hàng thương mại theo quy định hiện hành. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp do hạn chế này mà không phát triển được vì không có vốn lưu động, nhưng để vay vốn ngân hàng rất khó. Điển hình là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ ít vốn, mới ra đời…
 
Chẳng hạn như Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hà Giang Phước Tường, một cơ sở chuyên sản xuất các thiết bị phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện. Đây là một cơ sở làm ăn bài bản, có uy tín, thường xuyên nhận được đơn đặt hàng của các đơn vị nên có đủ việc làm cho trên 40 lao động với thu nhập khá. Tuy nhiên, do không có đủ các điều kiện vay vốn lớn tại ngân hàng để thực hiện hợp đồng nên đơn vị rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhành Đà Nẵng, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện quyết định trên, chi nhánh mới chỉ có được 3 thông báo bảo lãnh cho 3 doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại là: Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn, Công ty TNHH Hồng Mai và Công ty CP Thiên Kim, với số vốn bảo lãnh 5,5 tỷ đồng, trong số hơn 30 đơn yêu cầu bảo lãnh của các doanh nghiệp.
 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do việc làm báo cáo tài chính và phương án kinh doanh, phương án đầu tư của các doanh nghiệp không rõ ràng, số liệu ngay trong cùng một bản báo cáo vênh nhau. Nguyên nhân sâu xa là do hệ thống quản lý, nhất là công tác kế toán, trình độ xây dựng các dự án rất kém, không thuyết phục, gây rất nhiều khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định tính khả thi, hiệu quả của dự án, gây tâm lý hoài nghi trong việc trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng.
 
Do vậy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam không thể bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Nhiều doanh nghiệp làm các thủ tục bảo lãnh phải sửa đổi rất nhiều lần và bổ sung hồ sơ. Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp làm đơn xin bảo lãnh không trung thực, gây nhiều khó khăn cho việc thẩm định hồ sơ. Chẳng hạn như Công ty THHH Vinh Sang có hồ sơ yêu cầu bảo lãnh vay vốn 4 tỷ đồng để tăng vốn xây dựng Nhà máy sản xuất nước tinh khiết, với giấy phép đăng ký kinh doanh tại địa chỉ 229 Điện Biên Phủ.

Nhưng khi cán bộ ngân hàng đến kiểm tra thì ngôi nhà đã cho thuê và công ty dời địa điểm đi chỗ khác, khu đất để xây dựng nhà máy chưa có giấy sử dụng đất. Mặt khác, công tác tư vấn trong khâu xây dựng hồ sơ đúng theo quy định của Quyết định 14/2009/QĐ-TTg đối với các doanh nghiệp rất lúng túng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Thực tế có nhiều đơn vị mà các chức danh của doanh nghiệp do người nhà đảm nhận.

Thí dụ chức danh Chủ tịch HĐQT là vợ, Kế toán trưởng là con dâu hoặc con gái, Giám đốc là con trai hoặc con rể… mà người điều hành cụ thể, trực tiếp là ông bố, nhưng nhiều khi không có tên trong các chức danh trên vì còn đương chức. Điều đáng nói là những người đảm đương các chức danh trên không được đào tạo về kiến thức quản lý và chuyên môn mà chức danh người đó đang nắm giữ cần phải có.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại rất sợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp ngân hàng cho vay không thông báo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (đơn vị bảo lãnh) khi doanh nghiệp rơi vào tính trạng thua lỗ, không thực hiện được nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định tại điều 13 của Quyết định.
 

Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hà Giang là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhưng luôn thiếu vốn lưu động, nếu được bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn.

Vì các ngân hàng thương mại không có quyền kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động và việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp. Vì vậy, các ngân hàng thương mại rất sợ cho vay ngay cả khi có sự bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây cũng là một trong những bất cập trong các điều khoản quy định của Quyết định nói trên.

Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng thương mại là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và ngân hàng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn không cần thế chấp (từ 100 triệu đồng trở lên) để phát triển sản xuất trong điều kiện các doanh nghiệp không hội tụ đủ các yếu tố để vay vốn ngân hàng (thế chấp) như hiện nay. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của các Bộ ngành, các cơ quan chức năng của thành phố, các ngân hành thương mại và đặc biệt là sự vươn lên của mỗi doanh nghiệp.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.