Bất động sản là một tài sản giá trị, nhu cầu mua bán, chuyển nhượng là nhu cầu của đời sống, xã hội. Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) được hình thành, giúp cho người mua và người bán giao dịch thuận tiện, công khai minh bạch.
Đến sàn giao dịch BĐS Một ngày đầu tháng
Việc mua bán nhà đất nên giao dịch qua sàn để bảo đảm đúng giá trị, an toàn về tính pháp lý nhà đất. |
Ông Võ Văn Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cường Hưng Thịnh cho hay, sau hơn 4 tháng triển khai sàn giao dịch, số lượng các giao dịch thành công đang tăng dần, bước đầu đã hình thành một thói quen giao dịch BĐS qua sàn giao dịch. Hiện tại sàn giao dịch nhà đất Cường Hưng Thịnh có trên 500 thông tin đăng ký giao dịch với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, chính thức đăng tin lên sàn không nhiều bởi thông tin giao dịch nếu chưa được kiểm chứng, đăng ký giao dịch “chụp giựt” sẽ loại ra khỏi sàn. “Trong tháng 3, thị trường nhà đất qua sàn tăng mạnh. Điểm đáng chú ý đây là giai đoạn dành cho những ai đang thực sự có nhu cầu mua và bán. Nhà giá rẻ có mức giao dịch dưới 1 tỷ đồng ở khu vực nội thành tăng mạnh. Phân khúc thị trường nhà đất giá thấp tăng giá trị đến 20%”, ông Cường nói.
Hiện tại, thành phố có các công trình xây dựng như dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài, cải tạo nâng cấp đầu tuyến Bạch Đằng… nên nhu cầu mua nhà đất trong nội thành tăng mạnh. Đất tại các dự án tái định cư để chỉnh trang đô thị ở khu vực Đầm Rong, Lê Lợi - Đống Đa - Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài đang thực sự lên cơn sốt. Tuy nhiên, các giao dịch thông qua sàn BĐS đều bảo đảm tính chính xác, công khai và tránh rất nhiều rủi ro.
Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng chính thức có hai sàn giao dịch BĐS được cấp giấy phép hoạt động là sàn giao dịch Cường Hưng Thịnh và EVN Land (Điện lực Việt Nam).
Khuyến khích và khuyến cáo giao dịch qua sàn
BĐS là một thị trường quan trọng của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, các tổ chức, cá nhân môi giới BĐS là những thành tố không thể thiếu trong thị trường. Hoạt động của các DN, tổ chức này nếu chuyên nghiệp, đúng pháp luật sẽ là cơ sở để các hoạt động dịch vụ BĐS khác noi theo và thị trường BĐS cũng sẽ phát triển đúng định hướng.
Tuy nhiên, các chủ thể tham gia thị trường hiện nay còn nhiều bất cập như: Các tổ chức đầu tư BĐS để cung cấp hàng hóa cho thị trường năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý không đồng đều, thiếu thông tin về cơ chế chính sách mới, về tình hình thị trường; đội ngũ các tổ chức kinh doanh dịch vụ BĐS, trong đó có môi giới BĐS hình thành và từng bước phát triển nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu những tổ chức tài chính phi ngân hàng, tổ chức dịch vụ công, tổ chức nghiên cứu dự báo để hỗ trợ cho thị trường BĐS
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thông qua việc ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư và nhiều văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thị trường dần đi vào quỹ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS cả trong và ngoài nước.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khắc phục được những khuyết tật để thị trường ổn định, hạn chế những tác động xấu của thị trường BĐS đối với nền kinh tế, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ chế, chính sách mới như cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường BĐS phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và lành mạnh.
Đồng thời bổ sung hành lang pháp lý để hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: quỹ tín thác BĐS, quỹ đầu tư BĐS, quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường. Công cụ giao dịch BĐS hướng vào sàn giao dịch sẽ là hướng đi đúng làm cho thị trường được kiểm soát, an toàn trong giao dịch.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG