.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động

.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất (LS) huy động bằng đồng USD xuống mức dưới 3%, thì trong 2 tuần qua, các ngân hàng (NH) thương mại liên tiếp tăng LS huy động bằng VND và mức 10%/năm đã xuất hiện trên thị trường.

Liên tục tăng

LS huy động dài hạn tăng cao nhưng khách hàng vẫn thích gửi tiết kiệm ngắn hạn.

Mức LS huy động cao nhất hiện đang thuộc về NH Nam Việt, với mức 10%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, áp dụng cho khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng; với số tiền gửi từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, LS 9,50%/năm. Trong khi đó, ngày 10-6, NH An Bình (ABBank) đã triển khai hai sản phẩm tiết kiệm mới với LS lên tới 9,99%/năm. Để được hưởng mức LS này, khách hàng có thể chọn một trong hai hình thức, đó là “Tiết kiệm tỷ phú” với số tiền gửi tối thiểu là 999 triệu đồng, kỳ hạn 369 ngày hoặc “Tiết kiệm phú quý” với số tiền gửi tối thiểu là 99 triệu đồng trong 900 ngày. ABBank cũng tăng LS đối với tiền gửi kỳ hạn dài 12-36 tháng.

Các NH khác như SeABank, Việt Á, HDBank, Quốc tế, Vietbank, Hàng hải, ACB… cũng liên tục tăng LS huy động tiền VND ở các kỳ hạn dài lên khoảng 9-9,8%/năm. Ðiểm đáng chú ý là những thành viên trên vừa mới tăng LS huy động, hoặc áp dụng mức LS cho chứng chỉ tiền gửi, chỉ trong khoảng nửa tháng trở lại đây. Cá biệt, như NH Vietbank chỉ trong vòng 1 tháng từ 15-5 đến 15-6 đã 3 lần tăng LS huy động. Và mức LS tăng mạnh nhất được điều chỉnh từ 0,15 - 0,40%/năm dành cho các kỳ hạn từ 9 đến 36 tháng và tăng từ 0,1 - 0,15%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 6 tháng. Đặc biệt, Vietbank cũng đang áp dụng mức LS cộng thưởng khi khách hàng gửi tiền số lượng lớn.      
       
Bên cạnh việc tăng LS tiền gửi bằng VND, NH Quốc tế còn tặng LS đối với khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn do Ngân hàng VIB phát hành. Theo đó, ngoài việc mua chứng chỉ tiền gửi với LS chương trình (cao nhất lên tới 9%/năm), khách hàng còn được tặng LS thưởng từ 0,3%/năm tới 0,45%/năm khi mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng kể từ ngày 1-6-2009. Như vậy, LS khách hàng được nhận sau khi tặng thêm đã lên mức 9,3% với kỳ hạn 24 tháng và 9,55%/năm với kỳ hạn 36 tháng.

Vì sao?

Trên thực tế, khi LS cơ bản vẫn ở mức 7% và mức cho vay ra cao nhất được khống chế là 10,5%, việc các ngân hàng đẩy LS huy động lên sát trần LS cho vay khiến nhiều người lo ngại tái diễn  tình trạng khủng hoảng thanh khoản cách đây hơn 1 năm, khi đó LS cho vay tối đa là 21% và LS huy động được đẩy lên 19 - 20%. Bước đi này được xem là các NH đã tự làm khó mình. Với mức chênh lệch LS huy động và cho vay rất hẹp như trên, NH rất khó lòng bù đắp nổi chi phí hoạt động để bảo đảm có lãi. Nhưng tại sao các NH lại đồng loạt tăng LS như vậy?

Giải thích về điều này, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết: Bên cạnh việc tăng LS huy động để giữ khách hàng, các NH còn phải cạnh tranh với kênh chứng khoán, bất động sản và vàng khi liên tục thời gian qua 3 kênh này tăng khá mạnh, nên nhu cầu vốn cũng tăng theo.

Đáng chú ý là LS huy động chủ yếu tăng ở các kỳ hạn dài và rất dài, bởi do tâm lý người gửi hiện chỉ thích các kỳ hạn ngắn nên các NH đều muốn cấu trúc lại cơ cấu nguồn vốn huy động. Mặt khác, để có thể chủ động nguồn vốn trong tương lai, các NH cũng cần đi trước một bước. Cùng với việc tăng LS huy động, các NH còn tăng cường áp dụng khuyến mãi cho khách hàng gửi tiết kiệm nhằm thu hút thêm nguồn tiền VND.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng khuyến cáo, khi các NH tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng, cần phải có biện pháp bảo đảm cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quy mô, cơ cấu tín dụng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng VND và ngoại tệ phù hợp với khả năng, kỳ hạn và cơ cấu vốn huy động của NH.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.