.

Thị trường chứng khoán thiết lập mốc mới

.

Trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục mạnh mẽ với gần 100% mã niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán tiếp tục tăng kịch trần, kéo cả chỉ số VN-Index và HaSTC-Index lên một mặt bằng cao mới mà trước đó ít ai ngờ tới.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư đến sàn hơn, sau khi VN-Index tăng điểm.

Đây là lần đầu tiên sau gần 1 năm qua, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 500 điểm - một tín hiệu đáng mừng sau khi thị trường chứng khoán liên tục phá đáy. Nếu tính từ đáy (từ ngày 24-2) cho tới thời điểm này, VN-Index đã tăng hơn 110%, còn HaSTC-Index tăng mạnh hơn, ở mức 131,57% và đạt mốc trên 180 điểm.

Điều dễ nhận thấy nhất ở các sàn giao dịch là dư bán hết sạch hàng, trong khi dư mua ngày càng dày đặc lệnh. Tình trạng nhiều nhà đầu tư bán chốt lời trước đây do tâm lý sợ thị trường đảo chiều, mặt khác do đứng ở mốc đáy khá lâu nay được điểm, các nhà đầu tư “lướt sóng” liền xả hàng nên khiến cho thị trường mất cân bằng trong cung cầu.

Vì thế, khi thị trường vượt mốc 500 điểm thì hầu như tất cả các nhà đầu tư đều quay sang mua vào, và giữ hàng khi cho rằng mốc này sẽ bị phá vỡ trong vài ngày tới, làm cho giao dịch lệch hẳn sang cầu. Trong khi đó, một số lượng lớn nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, do không đặt mua được hàng quay sang đặt mua ATC (mua ở mức giá đóng cửa đợt 3) khiến cho thị trường thêm nóng.

Trong tuần thứ 2 tháng 6, tất cả các cổ phiếu blue-chips như STB của Sacombank, SSI của Chứng khoán Sài Gòn, PVF của Tài chính dầu khí, ACB của Ngân hàng Á Châu, BVS của Chứng khoán Bảo Việt… đều tăng trần và có dư bán luôn trong tình trạng bằng 0. Tình trạng này còn kéo dài sang các ngày sau.

Đặc biệt, cổ phiếu các ngân hàng trong tuần qua dậy sóng mạnh mẽ, khởi phát từ tin đồn râm ran trên các diễn đàn, sàn chứng khoán thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu ngân hàng từ 30% hiện nay lên 49%. Song, thông tin này sau đó đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phủ nhận. Tuy nhiên, việc các ngân hàng thi nhau báo lãi trong 5 tháng đầu năm đã kích thêm tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư lên thị trường.

Cộng thêm việc hai Ngân hàng Vietcombank và Vietinbank chào sàn đã khiến cho thị trường xôn xao. Đáng quan tâm nhất là việc Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank sau nhiều lần lỗi hẹn đã quyết chí lên sàn cuối tháng này. Sự lạc quan của những nhà đầu tư đã đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục tiến xa hơn trong phiên giao dịch vừa qua.

Thị trường chứng khoán đã và đang hồi phục mạnh mẽ, mạch tăng điểm của VN-Index dự đoán sẽ chưa dừng lại. Báo cáo phân tích của các chuyên gia chứng khoán đều đồng thuận đưa ra những dự đoán lạc quan trong trung và dài hạn, khiến các nhà đầu tư có chung tâm lý “ghim hàng chờ lên giá”, thậm chí nếu thị trường điều chỉnh thì họ sẽ xem đó là cơ hội tốt để tiếp tục mua vào.

Điều này khiến cho tình trạng tranh mua đang gây áp lực lớn lên thị trường, bên phía người bán có dấu hiệu dừng tay hẳn, do đó tính thanh khoản trên thị trường có dấu hiệu sụt giảm so với phiên giao dịch sôi động cuối tuần trước. Song kết quả cho thấy càng về sau, tính thanh khoản càng gia tăng, đỉnh điểm ở phiên giao dịch ngày 10-6 với 102 triệu chứng khoán chuyển nhượng, gấp gần 5 lần so với thời kỳ cuối 2008, đầu 2009.

So với bình quân tuần trước đó, khối lượng tăng 24%, giá trị tăng 12%, tương đương 68,6 triệu chứng khoán sang tay. Sàn Hà Nội cũng tăng cao, bình quân mỗi phiên có 42 triệu chứng khoán chuyển nhượng, với giá trị giao dịch khoảng 1.621 tỷ đồng, so với tuần trước tăng 27% về khối lượng và 50% về giá trị. HaSTC-Index tích lũy 13,41 điểm, chốt tuần ở 182,92 điểm.

“Điều đáng quan tâm ở đây là mức tăng giá của một số cổ phiếu đã vượt quá so với những thông tin hỗ trợ. Nhiều cổ phiếu đã tăng tới 3-4 lần so với thời điểm cách đây hơn 3 tháng nhưng các chỉ số tài chính chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong khi đó, thị trường lại quá sôi động, nên khả năng sẽ có một số mã lội ngược dòng khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh”, một nhà đầu tư ở Công ty Chứng khoán Đà Nẵng phân tích. Đồng quan điểm đó, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo giới đầu tư cần thận trọng, tránh lao theo sự tăng trưởng bất ngờ hiện nay mà thiếu tính toán kỹ lưỡng.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.