.

Lãi suất huy động “kịch trần”: Ai thiệt?

.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn giữ nguyên lãi suất (LS) cơ bản 7%/năm, nhưng nhìn vào biểu LS huy động ở một số ngân hàng (NH) tại thời điểm này xem ra khá nghịch lý khi LS huy động đã được các NH đẩy lên sát mức trần LS cho vay. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Techcombank Đà Nẵng thực hiện tốt kênh cho vay tiêu dùng.

Để cạnh tranh trong huy động vốn, các NH đã không ngần ngại từng bước nâng LS tiền gửi lên sát trần LS cho vay 10,5%/năm. Hiện tại, mức LS huy động bằng tiền đồng cao nhất thuộc về NHTMCP Phát triển nhà (HDBank) thành phố Hồ Chí Minh, với mức 10,1%/năm được áp dụng cho kỳ hạn gửi tiền 36 tháng trở lên.
 
Tiếp đó, NHTMCP An Bình (ABBank) cũng đã đưa ra chương trình huy động mới với LS tiền đồng lên đến 9,99%/năm, với điều kiện khách hàng tham gia một trong hai sản phẩm “Tiết kiệm tỷ phú” với số tiền gửi tối thiểu là 999 triệu đồng, kỳ hạn 369 ngày, hoặc “Tiết kiệm phú quý” với số tiền gửi tối thiểu là 99 triệu đồng trong 900 ngày.

Lý giải về việc tăng LS huy động trong thời gian qua, đa số các NH trên địa bàn thành phố đều cho rằng: Việc tăng LS huy động không nhằm ngoài mục đích thu hút thêm nguồn tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và người dân để đẩy mạnh triển khai cho vay hỗ trợ LS của Chính phủ. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn tiêu dùng, mua nhà, đất trả góp đang có xu hướng tăng nhanh, nên buộc các NH phải tăng LS huy động để bảo đảm nguồn vốn cho vay đối với khách hàng.
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có không ít NH trên địa bàn thành phố liên tục điều chỉnh tăng LS huy động, nhưng việc triển khai cho vay hỗ trợ LS của Chính phủ ở các NH này lại chiếm tỷ lệ dư nợ rất thấp. Vậy một câu hỏi được đặt ra: Việc các NH đẩy LS huy động lên gần với mức trần LS cho vay để làm gì, và NH có bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay không?

Một cán bộ đã có nhiều năm công tác tại ngành NH cho rằng: Hoạt động kinh doanh của NH để thu về lợi nhuận chủ yếu dựa vào sự chênh lệch của nguồn vốn giữa huy động và nguồn vốn cho vay. Chẳng hạn, nếu LS cho vay và huy động chênh lệch càng ít thì lợi nhuận của các NH càng thấp, và ngược lại nếu sự chênh lệch giữa nguồn vốn đầu vào và đầu ra được nới lỏng thì hoạt động kinh doanh của NH càng đạt hiệu quả.

Theo báo cáo của Chi nhánh NHNN Đà Nẵng, đến hết tháng 5-2009, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện được 30 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13% so với đầu năm.

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn tăng hơn 12% và dư nợ cho vay trung-dài hạn tăng 0,13% so với đầu năm. Cùng thời điểm, tổng nguồn huy động của các tổ chức tín dụng đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, tăng 13,44% so với đầu năm.

Thế nhưng ở thời điểm này, đã có không ít NH đẩy LS huy động lên mức gần bằng với trần LS cho vay, và khoảng cách chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra bị “bóp” lại khá hẹp nên xét về kinh doanh tín dụng chắc chắn các NH sẽ không có lãi. Tuy nhiên, nếu NH nào thực hiện tốt kênh cho vay tiêu dùng, thì việc tăng LS huy động ở các NH sẽ không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận.

Bởi hiện kênh cho vay tiêu dùng được NHNN cho phép giữa NH và khách hàng có sự thỏa thuận về LS cho vay, như vậy các NH sẽ chẳng dại gì khi tăng LS huy động mà không đẩy LS cho vay tiêu dùng lên cao để thu về lợi nhuận. Như vậy vô hình trung, khi các NH tăng LS huy động thì người chịu thiệt đầu tiên chính là khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng.

Còn các NH không đẩy mạnh thực hiện được kênh cho vay tiêu dùng, nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng LS huy động để tránh tình trạng khách hàng đến rút tiền chuyển sang NH khác gửi với LS cao hơn. Bên cạnh đó, các NH này cũng phải tìm lợi nhuận cho mình bằng những nguồn khác ngoài tín dụng.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG    

;
.
.
.
.
.