Chưa bao giờ tỷ giá bán - mua của USD trên thị trường ngân hàng lại cân bằng như hiện nay, thậm chí có nơi độ chênh lệch bằng không (0). Điều này khẳng định rằng nhu cầu cần USD của các tổ chức tín dụng (TCTD) là có thật.
Người dân thích gửi tiết kiệm hơn bán USD cho ngân hàng. |
Nguyên nhân của tình trạng này là do hiệu ứng của chính sách hỗ trợ lãi suất bằng VND, đồng thời là do tâm lý e ngại của các DN đối với sự lên giá của đồng ngoại tệ nên có xu hướng găm giữ ngoại tệ chờ chênh lệch giá. Đáng chú ý là doanh số mua vào và bán ra của USD trong 6 tháng đầu năm 2009 đều giảm trên 31% so với cùng kỳ.
Trước những khó khăn như vậy, các TCTD trên địa bàn đã đồng loạt nâng tỷ giá bán - mua của USD lên gần sát nhau nhằm huy động càng nhiều USD càng tốt. Cụ thể, trong thời gian dài, tỷ giá mua vào và bán ra của USD ở Ngân hàng Ngoại thương mức chênh lệch nhau chưa quá 100 đồng/100 USD. Hiện tại, tỷ giá này là 17.814 đồng/USD mua vào và 17.815 đồng/USD bán ra cho loại mệnh giá 100 USD, đó là áp dụng cho thị trường Đà Nẵng.
Còn riêng thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì chênh lệch của tỷ giá bằng không (0), tức là 17.814 đồng/USD mua vào thì giá bán ra cũng bằng chừng ấy. Không chỉ có Ngân hàng Ngoại thương mà hầu như tất cả các ngân hàng trên địa bàn cũng đều áp dụng phương thức này để huy động USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá ngoại tệ ngoài thị trường tự do luôn ở mức cao hơn mức công bố ở các ngân hàng ít nhất là 3% so với giá trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nên việc huy động USD ở các ngân hàng vẫn luôn trong tình trạng khó khăn. Tại các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch của USD hiện tại nằm khoảng 18.700 đồng/USD mua vào và 18.760 đồng/USD bán ra, và có thể cao hơn nếu khách hàng giao dịch với những tờ mệnh giá từ 50 - 100 USD. Một chủ cửa hàng trên đường Ông Ích Khiêm cho biết:
Giá USD trong những ngày qua có tăng lên so với trước từ 10 - 20 đồng/USD. Nguyên nhân là do giá vàng tăng, khiến cho giá USD tăng theo. Đặc biệt, sau khi thiết lập mốc mới, mốc cao nhất trong nhiều tháng qua của giá vàng đã làm cho giao dịch USD trên thị trường nhộn nhịp hơn, nhiều khách hàng đã bán vàng ra và mua USD vào cất giữ.
Mặc dù không thể chạy theo tỷ giá của USD tự do, nhưng việc nâng lên sát trần tỷ giá bán - mua USD cũng cho thấy các ngân hàng đang cần nguồn cung USD nhiều hơn. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, trong những tháng đầu năm 2009 vừa qua, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung giảm sút (trừ vàng và gạo) nên doanh số mua ngoại tệ ở ngân hàng từ đầu năm 2009 đến nay giảm mạnh.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ. Nhiều DN xuất khẩu găm giữ, không bán ngoại tệ nên các ngân hàng thương mại không có đủ ngoại tệ để điều hòa cho nền kinh tế. Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”. Mặt khác, cái khó ở đây là do ngân hàng không thể mua USD theo giá niêm yết để bán lại bằng giá niêm yết nên DN nhập khẩu có nhu cầu mua USD tại ngân hàng cũng rất khó được đáp ứng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay tiền gửi USD tại các ngân hàng có xu hướng tăng lên sau nhiều tháng đầu năm giảm mạnh, phần lớn là do các DN xuất khẩu thu ngoại tệ về rồi gửi tiết kiệm chứ không bán lại cho ngân hàng. Còn ngân hàng thì không thể lấy USD mà khách hàng gửi để đem đi bán cho các DN nhập khẩu. Nghịch lý trên dẫn đến tình trạng hệ thống ngân hàng thừa ngoại tệ để cho vay nhưng lại thiếu ngoại tệ để bán cho DN.
Bài và ảnh: Phương Uyên