.

Siết chặt cung cấp tín dụng

.

Trong thời gian qua, gói hỗ trợ kích cầu đầu tư, tiêu dùng của Chính phủ đã đem lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sự tăng trưởng này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mà nguyên nhân chính vẫn là tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đem lại.

Một số NHTM đã giảm cho vay tiêu dùng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành trên 20%; riêng tại Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng và chủ yếu tăng trưởng tín dụng bằng VND; dư nợ cho vay bằng VND là 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19,6%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chất lượng tín dụng cũng không thật sự thuyết phục, nợ xấu chiếm tỷ lệ hơn 3,3% trên tổng dư nợ. Vì thế, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải kiểm soát tín dụng chặt chẽ, không được hạ thấp điều kiện tín dụng, và tập trung mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, giảm tín dụng phi sản xuất; kiểm soát tín dụng ở mức tăng trưởng cho phép để kiềm chế lạm phát, tập trung cho SXKD.

Mặc dù NHNN mới có yêu cầu, nhưng một số NHTM đã có động thái đi trước khi siết chặt khoản cho vay tiêu dùng. Khảo sát tại các NHTMCP cho thấy, các tiêu chuẩn vay tiêu dùng trước kia luôn ở mức tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nay đã dần bị nâng lên, từ mức lương, hạn mức vay, thời gian công tác, hộ khẩu… Cụ thể, Techcombank đã ngưng cho vay tiêu dùng tín chấp từ tháng 5 vừa qua.

Còn tại ACB, mức tối đa là 60 triệu đồng, với 4 lần mức lương. Tại NH Đông Á, người vay tín chấp có doanh nghiệp chi lương qua NH Đông Á được vay 3 lần mức lương, tối đa vay 50 triệu đồng. Nếu lương được chi qua các NHTM khác, người vay được vay tối đa 2 tháng lương, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng. Cả với dịch vụ thấu chi, tối đa cũng 50 triệu đồng.

Trở lại với yêu cầu của NHNN kiểm soát mức tăng tín dụng từ 25-27% cho cả năm để thấy rằng, 6 tháng còn lại của năm 2009, các NHTM bắt buộc phải giảm tốc độ cho vay nếu không muốn tăng trưởng tín dụng vượt quá giới hạn cho phép. Thế nhưng thực tế cho thấy, việc giảm tiến độ cho vay ở thời điểm này là vô cùng khó khăn. Sau gần 7 tháng thực hiện kích cầu, 8.315 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân. Phải thừa nhận rằng, vốn kích cầu là một trong những đòn bẩy đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao.

Trước những khó khăn như vậy, NHNN cũng đã lấy ý kiến các NHTM về bản dự thảo sửa đổi Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN về bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của NHTM. Và lần đầu tiên sau nhiều năm, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh giảm từ 40% xuống còn 30%. Và có thể coi sự thay đổi này như bước siết chặt lại việc cung cấp tín dụng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.