.

Vì sao lãi suất huy động USD tăng trở lại?

.

Sau một thời gian nằm ở mức ổn định, từ khoảng tháng 4 đến tháng 7, hiện nay, mặt bằng lãi suất (LS) huy động bằng USD đã có dấu hiệu “phá băng”. Các ngân hàng đã rục rịch tăng LS huy động bằng ngoại tệ trở lại, thay vì giảm như trong tháng 7-2009.

Ngân hàng Đông Nam Á đã tăng LS huy động USD.

Sự đồng thuận về việc giảm dần LS USD của các ngân hàng (NH) vào hồi tháng 6-2009 đã không còn. Động thái trên được xem là bước tiếp theo của cuộc đua tăng lãi suất, sau khi lãi suất huy động bằng VND ở một số NH trong thời gian qua đã đạt sát ngưỡng 10,5% - ngưỡng cho phép tối đa của mức LS cho vay thông thường theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (không vượt quá 150% LS cơ bản).

Có một nghịch lý rất đáng được quan tâm là, trong khi LS huy động bằng USD được các NH điều chỉnh tăng lên thì việc trước đó, các NH tiếp tục điều chỉnh LS cho vay USD theo hướng giảm dần, đã thu hút sự chú ý của DN. LS USD của các NH giảm phổ biến từ 4,5-6% (tháng 5) và 4-6% (tháng 6) xuống còn 3-5% trong tháng 7.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay ngoại tệ đã có dấu hiệu tăng trong thời gian qua, tuy tốc độ tăng chưa cao song đáng chú ý. Có thể chính điều này là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng LS huy động USD trở lại. Bên cạnh các nguyên nhân khác như thiếu vốn, lợi nhuận kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan, thị trường vàng, chứng khoán tăng, DN nhập khẩu bắt đầu vay ngoại tệ để thanh toán…

Nhìn diễn biến việc điều chỉnh tăng LS tiền gửi USD trong hơn một tuần qua cho thấy giống như kịch bản đua tăng LS VND trước đó. Bắt đầu là hiện tượng thiếu nguồn để cho vay, nhu cầu vay USD trên thị trường ngoại tệ liên NH tăng, một số NHTMCP cần ngoại tệ... vì vậy, bắt đầu từ ngày 5-8, SeABank đã tăng LS tiền gửi USD với mức tăng thêm 0,3%/năm. Sau đó 5 ngày, SCB tăng trở lại LS tiền gửi bằng ngoại tệ ở kỳ hạn từ 1 tuần đến 60 tháng, với biên độ tăng từ 0,35%/năm đến 1,8%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam và Ngân hàng TMCP Á Châu, LS tiền gửi USD áp dụng mức cao nhất là 2,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; 2,65%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. LS huy động vốn bằng ngoại tệ của Vietcombank cũng tăng nhẹ lên 2%/năm đối với một số kỳ hạn dài ngày, thay vì áp dụng 1,5%/năm như trước. Các ngân hàng khác như: Đại Dương, Việt Nam Thương Tín, Gia Định, Kiên Long… cũng tăng LS huy động. Song, đáng chú ý là việc tăng LS huy động USD chỉ xảy ra ở các kỳ hạn dài hạn.

Một cán bộ của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín cho rằng: Trên thị trường hiện đã có dấu hiệu người dân và tổ chức rút ngoại tệ từ các NH mức LS còn thấp gửi sang  NH LS cao. Với xu hướng dư nợ tín dụng bằng USD đang tăng trở lại, khả năng LS tiền gửi USD khó giữ nguyên mức hiện tại. Và để tránh bị rút vốn, chắc chắn nhiều NH sẽ phải tăng LS theo. Đó là một trong những biện pháp mà các NH đang  sử dụng để bù đắp thiếu hụt ngoại tệ.

Tuy nhiên, những người am hiểu về tài chính cho rằng, các NH đang tranh thủ mặt bằng LS thấp để huy động vốn USD giá rẻ, như đã từng diễn ra với vốn VND. Hiện LS huy động USD ngắn hạn chỉ khoảng 1,5%/năm, do trước đó các NH đã thỏa thuận giảm LS huy động USD để kéo LS cho vay xuống chỉ còn 3%, nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay USD.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, đến cuối tháng 7, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ của các NH trên địa bàn là 3.270 tỷ đồng, trong đó khối quốc doanh 1.227 tỷ đồng, khối TMCP và liên doanh 2.043 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ cho vay cũng đạt 4.004 tỷ đồng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của dư nợ cho vay và huy động không cao bằng năm trước nhưng vẫn trên đà tăng, chứ không giảm.

Không chỉ tăng LS huy động bằng USD, các NH còn áp dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút vốn. Cụ thể, Vietcombank Đà Nẵng triển khai chương trình “Gửi tiết kiệm, tặng bảo hiểm”. VietinBank triển khai chương trình “Tiết kiệm LS thả nổi 3+”, khách hàng sẽ được cộng thêm LS tới 0,3%/năm, được cộng tiền mặt tới 0,25% trên số tiền gửi...

Bài và ảnh: Phương Uyên


 

;
.
.
.
.
.