.

Cho vay vượt trần lãi suất quy định có vi phạm Luật?

.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, lãi suất (LS) vay trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% LS cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như vậy, với mức trần LS hiện tại do NHNN công bố là 7%/năm, mức LS cho vay trong các hợp đồng tín dụng cũng sẽ không được phép vượt quá 10,5%/năm. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố có Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt, tên viết tắt là: SG VietFinance, có trụ sở đăng ký tại Tầng 2, tòa nhà Lawrence S.Ting, số 801 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh đang cho vay thỏa thuận tín dụng tài trợ xe gắn máy vượt trần lãi suất quy định trên, thậm chí cho vay với mức trên 30%/năm.

Hiện nay, tổ chức tài chính phi ngân hàng cho vay với mức lãi suất quá cao nên khách hàng cần thận trọng khi đi vay. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nếu căn cứ theo quy định của BLDS năm 2005 thì mức cho vay như vậy là vi phạm Luật, mà hậu quả là các TCTD có thể không thu được tiền lãi từ các hợp đồng tín dụng đúng như thỏa thuận, nếu khách hàng yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu thỏa thuận do vi phạm điều cấm của pháp luật. Nhưng, vì sao Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt vẫn triển khai thực hiện việc cho vay vượt trần LS như vậy mà không “quan tâm” đến quy định trên?

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp những người có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng và được biết rằng: Sở dĩ có tình trạng này là do các đơn vị trên áp dụng theo Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23-1-2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành hướng dẫn về LS thỏa thuận của TCTD đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Theo đó, NHNN cho phép các TCTD thực hiện LS thỏa thuận đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, theo quy định của NHNN về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.
 
Các TCTD xác định các giới hạn tín dụng đối với một khách hàng và lĩnh vực cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, phù hợp với quy định của NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD. Kiểm soát chặt chẽ các giới hạn tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các khoản cho vay nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.


Như vậy, có thể nói rằng Thông tư 01/20/TT-NHNN đã “vượt quá thẩm quyền” khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự năm 2005 và mâu thuẫn với chính những quy định của NHNN như: Hằng tháng, hằng quý, hằng năm, NHNN vẫn phải công bố mức LS cơ bản. Trên thực tế, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức LS cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở LS tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… và chịu sự tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngân hàng.

Thực tiễn hoạt động cho vay của các TCTD cho thấy, TCTD thường xác định mức LS cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng khác nhau. Do vậy, việc khống chế mức LS trần cho vay đối với hoạt động cho vay của TCTD là không cần thiết.

Song, vấn đề được mọi người hết sức quan tâm là mức thỏa thuận LS như thế nào, mức cho vay, thời hạn cho vay... bao nhiêu là hợp lý? Bởi hiện tại, Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt đang thực hiện cho vay với LS vay lên đến hơn 30,3%/năm (2,53%/tháng), mức mà nhiều người cho rằng tương đương với mức cho vay của tín dụng “đen”. Theo một cán bộ của NHNN, mức cho vay là do 2 bên thỏa thuận nên NHNN cũng rất khó xử lý.

Bà Đỗ Thị Hoàng Mai, một người đi vay cho biết: “Khi vay, được tư vấn mỗi tháng chỉ trả lãi hơn 450 nghìn đồng cho mức vay 21 triệu đồng trong 2 năm, nên tôi không biết mức LS cho vay cao đến vậy. Chỉ đến khi đi trả lãi, được cán bộ ngân hàng giải thích, mới thấy vay như vậy là quá cao, vượt quá nhiều lần trần LS quy định của NHNN”.

Chính vì vậy, để tránh trường hợp phải trả LS quá cao, người dân nên thận trọng khi đi vay, cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký vào. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có các chế tài quản lý các hoạt động này.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.