Mặc dù chương trình vốn vay học sinh, sinh viên (HSSV) đã được thực hiện hơn 2 năm nay, nhưng nhiều ý kiến của HSSV cho rằng, họ vẫn rất khó khăn để làm thủ tục vay vốn, có bạn muốn vay nhưng không biết tiếp cận bằng cách nào?
|
Ban đầu, ở một số địa phương (đặc biệt là cấp xã) còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí và cách tính toán, thống kê thế nào là hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến việc chậm trễ cho vay vốn HSSV. Bên cạnh đó, một số địa phương, quy trình cho vay chưa chặt chẽ, nhiều tổ chức hội, đoàn thể chưa theo dõi để tuyên truyền, phổ biến rõ ràng và kịp thời những chính sách, dẫn đến việc nhiều gia đình và HSSV chưa nắm được những thông tin về chính sách tín dụng đối với HSSV.
Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định rằng, gia đình nào cần vay vốn cho con em đi học, chỉ cần tiếp cận với trưởng thôn và UBND xã, phường, nếu đủ điều kiện theo quy định, nguồn vốn vay sẽ được giải ngân kịp thời.
* P.V: Ông đánh giá gì về kết quả qua hơn 2 năm triển khai chương trình này tại Đà Nẵng?
- Ông Nguyễn Tử Ân: Tín dụng ưu đãi đối với HSSV đã thật sự trở thành một chương trình lớn và đi vào cuộc sống sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157. Theo đó, HSSV có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh… đều được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo công lập hay dân lập và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm.
Và đến thời điểm này, toàn thành phố đã có hơn 14 nghìn hộ dân được vay vốn HSSV với tổng số tiền lên tới 125 tỷ đồng. Theo dự kiến đến cuối năm 2009, NH sẽ giải ngân khoảng 50 tỷ đồng cho HSSV vay vốn. Với nguồn vốn còn lại này, chúng tôi có thể khẳng định sẽ không để HSSV nghèo phải bỏ học vì thiếu tiền.
* P.V: Hiện số HSSV theo học tại các trường trung cấp, học nghề sắp đến hạn phải thanh toán khoản vay, NH đã có kế hoạch thu hồi nợ như thế nào?
- Ông Nguyễn Tử Ân: Theo kế hoạch thu hồi nợ đối với chương trình cho vay vốn HSSV, bắt đầu từ năm 2010 sẽ tiến hành thu nợ với chương trình của trung cấp - trung học, và đến năm 2011 sẽ thu hồi nợ của cao đẳng, năm 2012 thu hồi nợ của đại học. Theo quy định trả nợ, trước khi tốt nghiệp, sinh viên phải đến làm cam kết với nhà trường về việc trả nợ, đồng thời gia đình phải đến NH thỏa thuận về thời gian trả nợ.
Về phía NH sẽ phối hợp với nhà trường để nắm rõ số sinh viên tốt nghiệp để tiến hành các thủ tục thu hồi nợ theo quy định. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong công tác thu hồi nợ đối với khoản vay vốn HSSV là do trong điều kiện nền kinh tế khủng hoảng, nhiều em ra trường chưa xin được việc làm, hoặc có việc làm nhưng mức thu nhập thấp.
* P.V: Theo ông, việc Chính phủ điều chỉnh mức vay HSSV từ 800 nghìn đồng lên 860 nghìn đồng/tháng, liệu có đáp ứng được điều kiện học tập của sinh viên khi mức học phí cũng được điều chỉnh tăng lên?
- Ông Nguyễn Tử Ân: Theo quy định mới, bắt đầu từ ngày 26-8-2009, mức cho vay của sinh viên tăng lên 860 nghìn đồng/tháng (mức cũ 800 nghìn đồng). Theo khảo sát của chúng tôi, với mức cho vay HSSV tăng lên như hiện nay sẽ phù hợp với nhu cầu học tập của sinh viên có hộ khẩu tại Đà Nẵng theo học các trường đóng trên địa bàn thành phố, còn đối với sinh viên học ở xa thành phố (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…) thì mức tăng này chưa hợp lý khi Chính phủ cũng quyết định tăng mức học phí đại học từ 180 nghìn đồng lên 240 nghìn đồng/ tháng.
* P.V: Cảm ơn ông!
Trọng Hùng (Thực hiện)