.

"Cấp phép nhập khẩu vàng để ổn định tâm lý"

.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu
Thị trường vàng, ngoại tệ bị đầu cơ đã tăng giá chóng mặt trong những ngày gần đây, gây “sốc” đối với nhiều người dân. Để giảm nhiệt hai thị trường này, chiều qua (11-11), trong cuộc trao đổi với báo giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ cho phép 5 doanh nghiệp nhập khẩu vàng không hạn chế, mặc dù lượng vàng trong nước vẫn còn rất nhiều

* Thị trường vàng đang tăng "nóng" do tin đồn và đầu cơ, ông có thể cho biết Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để bình ổn lại thị trường không? 

- Trong 4 năm trở lại đây, Việt Nam nhập khẩu vàng rất lớn. Năm 2005 nhập 48 tấn, năm 2006 nhập 91 tấn, năm 2007 nhập 51 tấn và năm 2008 là 90,5 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu vàng không lớn.

Năm 2008 cho phép xuất khẩu 18 tấn nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất 11 tấn, năm nay cấp cho phép xuất khẩu 32 tấn nhưng mới chỉ xuất 26,7 tấn. Như vậy, số vàng trong nước vẫn còn khá lớn, không đến mức làm thị trường vàng khan hiếm nguồn cung.

Việc vàng tăng giá bất thường như vừa qua chủ yếu là do tin đồn và hoạt động đầu cơ. Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 5 ngân hàng thương mại lớn, có hoạt động kinh doanh vàng bạc, họ cũng khẳng định giá vàng Việt Nam tăng mạnh hoàn toàn do tin đồn đẩy giá lên. Giá vàng Việt Nam đã tách rời hoàn toàn với giá thế giới.

Giá vàng tiếp tục hạ sốt

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định cho phép nhập khẩu vàng, sáng nay, 12-11, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh. Giá vàng SJC lúc 9 giờ 10 phút tại TP.HCM và Đà Nẵng mua vào và bán ra là 25,7 triệu và 26,2 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội là 25,7 và 26,22 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB mua vào và bán ra là 25,7 triệu và 26 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với cuối ngày hôm qua, 11-11, giá vàng đã giảm 1,3 - 1,5 triệu đồng/lượng. So với trưa 11-11, khi vàng vượt ngưỡng 29 triệu đồng/lượng, tức chưa đầy 24 giờ, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh đến 3 triệu đồng/lượng.

ĐNĐT
Mặc dù lượng vàng trong nước vẫn còn rất lớn nhưng để tránh thiệt hại cho người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp phép nhập khẩu vàng để ổn định tâm lý cho thị trường. Nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng đã được chuẩn bị sẵn, không phải đi mua trên thị trường, tránh tình trạng nhiều người dân suy diễn các doanh nghiệp phải mua gom USD ngoài chợ đen sẽ đẩy giá lên.

Ví dụ, Tổng Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là thành viên của Ngân hàng Đông Á có đầy đủ ngoại tệ; Tổng công ty vàng bạc của Ngân hàng Nông nghiệp cũng không thiếu ngoại tệ để nhập vàng và Tổng công ty Vàng bạc đá quý Thành phố Hồ Chí Minh có mối quan hệ chặt chẽ với Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank).

* Có thông tin nhiều người dân đang ồ ạt đi rút tiền ngân hàng để mua vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị cho tình huống này chưa? 

- Không có hiện tượng người dân ồ ạt đi rút tiền để mua vàng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp nhưng đã có khuyến cáo người dân, khi thị trường vàng có diễn biến bất thường thì nên bình tĩnh, cẩn trọng trước quyết định mua vàng của mình trong thời điểm giá vàng thế giới biến động phức tạp và ở trong nước có yếu tố đầu cơ trục lợi như hiện nay.

* Không chỉ vàng “sốt nóng”, giá mua USD cũng liên tục tăng nhanh, có lúc lên tới trên 20.000 đồng/USD, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để bình ổn thị trường này không thưa ông?

Cho phép nhập khẩu vàng nhằm bình ổn giá vàng trong nước (Ảnh: Thành Lân)

- Nguyên nhân chính đẩy giá USD tăng “nóng” là do giá vàng tăng đột biến trong những ngày qua. Khi giá vàng được bình ổn thì giá USD cũng sẽ ổn định trở lại. Thực tế, trong sáng 11/11 đã có lúc giá mua USD lên tới 19.800 đồng/USD, nhưng đến buổi chiều giảm xuống 19.100 đồng/USD.

Về quan điểm điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành theo cơ chế linh hoạt, có sự quản lý của Nhà nước theo hướng ổn định. Ổn định không phải là cố định, mà theo diễn biến thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh hợp lý.

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng giảm 5 - 10 đồng/USD trong một ngày là điều bình thường, nhưng sẽ không tạo ra thay đổi quá lớn ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.