.

Cuối năm, ngân hàng lại thiếu vốn?

.

Cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động liên tiếp ở các ngân hàng (NH) trong thời gian qua không nhằm ngoài mục đích thu hút tiền gửi của khách hàng, đáp ứng nguồn vốn cho vay vào cuối năm. Tuy nhiên, hiện đã có không ít NH buộc phải từ chối khéo khách hàng vay vốn... Vậy, phải chăng NH đang “đói” vốn?

Không dễ tiếp cận vốn vay

Thay vì mang tiền đi gửi tiết kiệm, nhiều khách hàng đã chọn vàng là kênh đầu tư.


Khi nền kinh tế thế giới và trong nước đang dần hồi phục, đã kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân tăng mạnh. Thế nhưng đúng vào thời điểm DN cần vốn làm ăn thì NH lại siết chặt cho vay. Trong vai người đi vay vốn để sửa nhà đón năm mới, chúng tôi đến một NHTMCP trên đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê) và bị từ chối với lời giải thích: NH tạm ngưng cho vay. Cùng hoàn cảnh, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại KCN Hòa Khánh cho biết, thời điểm cuối năm, DN thường kiếm được nhiều đơn đặt hàng, nhưng do chưa vay được vốn nên nhiều đơn hàng buộc phải lỡ hẹn với đối tác.
 
Theo DN này, lúc trước vay vốn NH không mấy trở ngại, nhưng thời gian gần đây, việc vay vốn kinh doanh gặp nhiều khó khăn. “Vừa qua, do nhu cầu cần vốn làm ăn nên chúng tôi đã đến làm thủ tục vay vốn ở 2 NH trên địa bàn thành phố, tuy nhiên cả hai NH đều viện đủ lý do để từ chối”, giám đốc công ty này cho hay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thời điểm này, không chỉ DN mà đối với khách hàng vay tiêu dùng còn khó hơn, thậm chí nhiều NH đưa ra lý do tạm ngưng cho vay chương trình này vì thiếu vốn.

NH có thiếu vốn?

Theo giải thích của các NH, sở dĩ NH buộc phải hạn chế cho vay trong thời điểm này là do NH Nhà nước yêu cầu các NH rà soát các khoản cho vay tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán khi khối này có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Theo đó, NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH tiếp tục tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.

Đại diện NHTMCP Xuất nhập khẩu - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: Hiện tại, thanh khoản của các NH có quy mô lớn chưa có vấn đề gì, nguồn vốn của các NH này cũng bảo đảm và đáp ứng đủ nhu cầu cho vay sản xuất đối với DN, hộ kinh doanh… Tuy nhiên, chương trình cho vay tiêu dùng ở một số NH buộc phải hạn chế lại để khống chế tăng trưởng tín dụng nhằm bảo đảm an toàn trước những đợt kiểm tra vào cuối năm.

Theo NH Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10-2009 đã lên tới hơn 33%, trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng gần 26%. Và khi nguồn vốn huy động thấp hơn cho vay đã kéo theo không ít NH lâm vào cảnh thiếu hụt nguồn vốn để giải ngân. Cũng vì thiếu vốn, các NH buộc phải đua tăng lãi suất liên tục trong thời gian qua để thu hút vốn.
 
Hiện lãi suất huy động ở các NH đã tăng sát mức trần lãi suất cho vay (khoảng gần 10% ở tất cả các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn). Thậm chí, rất nhiều NH đã buộc phải tung thêm các hình thức khác như chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu với lãi suất hơn 10% để thu hút vốn. Thế nhưng, nhiều NH vẫn không thể thu hút được tiền gửi như mong muốn.
 
Theo giải thích của NH, sở dĩ nguồn vốn huy động gặp khó một phần là do biến động của giá vàng, thị trường chứng khoán trong thời gian qua liên tục tăng mạnh, đã kéo theo nhiều nhà đầu tư và người dân lựa chọn 2 kênh trên để đầu tư thay vì đem tiền đi gửi tiết kiệm ở NH. Ông Vũ Cao Thương, Giám đốc NHTMCP Phương Nam – Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng:

Nếu thị trường vàng, chứng khoán vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng vào những tháng cuối năm thì việc huy động vốn ở các NH sẽ là thử thách không nhỏ. Mặc dù hiện các NH chưa có lo ngại về thanh khoản như năm trước, nhưng khó khăn về vốn là một thực tế sẽ gây ra nhiều tác động không thuận lợi cho các NH.

Trước thực trạng này, vừa qua NH Nhà nước đã phát đi tín hiệu nhắc nhở các NH phải có biện pháp quản lý tốt nguồn vốn cho vay khi khả năng huy động vốn của NH đang gặp trở ngại. Cũng theo NH Nhà nước, hiện lãi suất giữa cho vay và huy động chênh lệch rất nhỏ nên các NH cần phải tập trung thu hồi những khoản nợ đã đến kỳ trả để bảo đảm tín dụng.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.