.

Tăng nợ xấu ngân hàng

.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, đến đầu tháng 10-2009, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 26 nghìn tỷ đồng, tăng 28,38%; vốn huy động đồng Việt Nam tăng hơn 31%; ngoại tệ tăng gần 13% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế là 34 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so đầu năm.
 

Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn cũng là nguyên nhân gây nợ xấu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Đáng chú ý, nhờ đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, nên đa số các TCTD đều kinh doanh có lãi. Song do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động xấu đến hoạt động SXKD của nhiều DN, hộ cá thể, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2008. Chỉ tính đến cuối tháng 7-2009, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng là 1.160 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,57% trên tổng dư nợ (năm 2008 là 2,15%).

Theo phân tích của một cán bộ tín dụng ngân hàng, hầu hết các khoản nợ xấu đều bắt nguồn từ khâu thẩm định chưa sát thực tế của cán bộ tín dụng. Do không xác định được quy mô kinh doanh, khả năng cạnh tranh cũng như nguồn trả nợ, nhiều lúc còn “quên” cả khâu kiểm tra sử dụng vốn, đôn đốc trả nợ… nên phát sinh nợ xấu.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, ngoài tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế đem lại, nợ xấu của năm 2009 có phần ảnh hưởng từ dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản. Đặc biệt là hậu quả từ cuộc đua tăng lãi suất trong năm 2008 khiến cho các DN phải vay ở mức cao, trên 20%/năm, đến năm 2009 nền kinh tế gặp khó khăn thì nhiều DN “lâm vào ngõ cụt”. Và tất nhiên, một phần nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng lên từ nhóm đối tượng này.

Mặc dù các TCTD không muốn công bố cụ thể từng lĩnh vực, đơn vị, nhóm khách hàng nợ…, nhưng xu hướng nợ xấu gia tăng là biểu hiện xấu. Trên thực tế, phần lớn các hợp đồng cho vay bị vướng vào nợ xấu đều có tài sản bảo đảm mà hầu hết là thế chấp như nhà máy, công xưởng, đất đai… Khi DN mất khả năng trả nợ, việc giải chấp các tài sản bảo đảm này là điều không đơn giản. Có một câu nói rất thực tế ở những người làm công tác tín dụng “cho vay là quyền của ngân hàng, nhưng trả nợ là quyền của khách hàng”. Điều này cho thấy, hoạt động của ngành ngân hàng luôn đứng trước nguy cơ gặp rủi ro cao.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Phú Thịnh bày tỏ băn khoăn, hiện nay có DN trên thực tế đã trở thành con nợ của ngân hàng, song vẫn còn gắng gượng hoạt động, thậm chí còn hy vọng sẽ có gói hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ. Bên cạnh đó là các DN đang thiếu vốn cho SXKD, nhiều trường hợp chấp nhận giữ vốn ngân hàng quá hạn để có vốn tiếp tục quay vòng.

DN thà chịu lãi suất vay quá hạn còn hơn là ngừng sản xuất, mất khách hàng đã cố công giữ mối lâu nay. Mặt khác, không ít DN cũng kêu trời vì các khoản nợ của khách hàng, đối tác trong thời điểm hiện nay đã trở thành nợ khó đòi, do các khoản nợ giữa các DN với nhau không bị tính lãi, vì vậy nhiều DN cố tình chậm trả, giữ vốn của nhau để cầm cự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng.

Trong hoạt động của 3 tháng còn lại của năm 2009, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhất là DN địa phương, để góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn (dưới mức quy định của Ngân hàng Trung ương).
 
Đẩy mạnh huy động vốn với các hình thức phong phú, lãi suất phù hợp, nhất là vốn trung, dài hạn trong dân cư để tạo nguồn cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay DN nhỏ và vừa, khu vực nông thôn; gắn liền với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Thực hiện các biện pháp để kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản, tiêu dùng; đề nghị các ngân hàng thương mại phải trích dự phòng rủi ro cao.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.