.

NHNN lý giải việc chấm dứt hoạt động các sàn vàng

.

Việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý, tiềm ẩn rủi ro cao, không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế trong khi thu hút một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh... là những lý do của quyết định chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa cung cấp cho các cơ quan báo chí bản báo cáo chi tiết về những lý do của quyết định chấm dứt hoạt động các sàn vàng và định hướng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Hoạt động của các sàn vàng chưa có cơ sở pháp lý 

NHNN cho biết, sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam là Sàn giao dịch vàng ACB, được hình thành ngày 25-5-2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Giao dịch vàng Sài Gòn - trực thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) gồm 9 thành viên. Các thành viên tham gia là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có quy mô vốn lớn, có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh vàng.

Ban đầu, Trung tâm Giao dịch vàng ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên. ACB đóng vai trò vừa là người tổ chức, vừa là thành viên trực tiếp tham gia giao dịch. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thời gian đầu không lớn.

Tháng 12-2007, trên cơ sở hoạt động của sàn giao dịch vàng giữa các thành viên, ACB triển khai sản phẩm “Đầu tư vàng tại ACB” dành cho cá nhân. Từ đó khối lượng giao dịch trên sàn gia tăng đột biến.

Đứng trước nhu cầu tham gia giao dịch vàng của các cá nhân tăng mạnh và sức hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ việc tổ chức sàn giao dịch, nhiều ngân hàng thương mại khác và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thành lập các sàn giao dịch vàng.

Trong khi đó, NHNN cho biết, theo kết quả rà soát, việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý.

Loại hình kinh doanh không tạo giá trị gia tăng, độ rủi ro cao, hút vốn lớn

NHNN đánh giá hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading) mà ngay cả trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.

Hơn nữa, hoạt động kinh doanh sàn vàng không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Mà ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.

Báo cáo của NHNN còn chỉ ra, do các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và do các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản, thời gian qua đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn.

NHNN kết luận, hoạt động của các sàn giao dịch trong thời gian vừa qua tiềm ẩn một số yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế, xã hội.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, NHNN cũng có nhận định tương tự.

Hạn chế chính được NHNN chỉ ra là, các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng kinh doanh trên các sàn vàng quốc tế nên tiềm ẩn mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn.

Ngược lại, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước mà thực chất là mua, bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua.

Với những lý do trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày có thông báo (từ 30-12-2009 đến 30-3-2010), mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.