Ngay khi có Chỉ thị số 20/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (gọi tắt là Chỉ thị 20), các ngành và địa phương, cơ quan, đơn vị hưởng lương từ nguồn ngân sách thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, quan tâm hỗ trợ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) nâng cao chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản và định hướng cho các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ (điện, nước, điện thoại…) thực hiện thanh toán qua ngân hàng để tạo thuận lợi cho khách hàng.
(Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến về chủ trương trên, tuyên truyền việc kết nối liên thông 2 liên minh Banknetvn và Smartlink để khách hàng hiểu rằng, không chỉ dùng thẻ giao dịch qua máy ATM của ngân hàng phát hành mà còn giao dịch được qua máy ATM của các ngân hàng khác. Ngoài ra, các TCCƯDVTT cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền về việc thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để mở thẻ, thanh toán lương qua tài khoản…
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn hoạt động tại các ATM, như việc điều chuyển, tiếp quỹ tiền mặt cho các ATM, nguồn điện dự phòng của ATM, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tại ATM... nhằm hạn chế các thiếu sót, giúp các TCCƯDVTT ngày càng hoàn thiện hơn việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng; xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Các TCCƯDVTT của Đà Nẵng đã sớm triển khai hệ thống máy ATM và máy chấp nhận thanh toán (POS) tại các quận, huyện. Qua thống kê, có 747 đơn vị hưởng lương ngân sách Nhà nước với 25.171 người, đã có 677 đơn vị trả lương qua tài khoản ngân hàng, với 22.956 người. Tỷ lệ số đơn vị hưởng lương ngân sách trả lương qua tài khoản đạt 90,63%; tỷ lệ đơn vị hưởng lương ngân sách trả lương qua tài khoản tại các quận, huyện 46,43%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số hạn chế và tồn tại như: Việc chuyển lương từ Kho bạc về các ngân hàng còn chậm (2-3 ngày), làm khách hàng hiểu nhầm sự chậm trễ là do các ngân hàng. Hơn nữa, phiên giao dịch của Kho bạc hiện tại chỉ được thực hiện 1 lần trong ngày, nếu việc chuyển lương thực hiện vào ngày cuối tuần thì khách hàng phải chờ đợi thanh toán trong vòng từ 3 đến 4 ngày.
Chất lượng dịch vụ chưa cao, thể hiện ở thời gian tra soát xử lý, giải quyết các sự cố về giao dịch tại các ATM của ngân hàng khác ngân hàng phát hành thẻ còn dài (khoảng 14-18 ngày). Mức phí rút tiền liên mạng chưa phù hợp với thu nhập của cán bộ, công nhân viên. Thời gian chờ đợi rút tiền tại ATM hoặc tại ngân hàng thường chậm hơn so với nhận lương trực tiếp từ các cơ quan. Việc rút tiền trong liên minh thẻ nhiều lúc không thành công, trong khi đó chủ thẻ của đơn vị chủ trì vẫn sử dụng được, điều này đã gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng về tính hiệu quả của hệ thống liên minh thẻ.
Việc triển khai các dịch vụ kèm theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn, doanh số thanh toán thấp. Nguyên nhân là do các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa sẵn lòng phục vụ khách hàng thanh toán bằng thẻ, nhân viên bán hàng ngại chấp nhận thanh toán bằng thẻ mà vẫn thích thu tiền mặt. Chính sách khuyến khích vật chất từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa được triển khai. Tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến trong nhân dân. Do đó, chủ thẻ chủ yếu rút tiền mặt chi tiêu, hầu như chưa sử dụng thẻ để thanh toán.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, các TCCƯDVTT đã bố trí một số máy ATM trong các khu công nghiệp, cụm nhà máy, gần trụ sở các cơ quan để công nhân, viên chức rút lương qua thẻ được thuận lợi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rằng còn giao dịch được qua máy ATM của ngân hàng khác hoặc tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng để khắc phục hiện tượng ATM bị quá tải. Bố trí cán bộ hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng thực hiện các thao tác giao dịch.
Thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản đến cuối năm 2010 là 94,8% với 23.500 người. Các TCCƯDVTT tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ của mạng lưới ATM, POS rộng khắp, đặc biệt tại các quận, huyện; thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng; có quy trình phối hợp chặt chẽ, rõ ràng để rút ngắn thời gian tra soát khiếu nại về các giao dịch thẻ cho khách hàng khi có sự cố, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đồng thời rà soát, đánh giá lại năng lực cung ứng dịch vụ thực tế của đơn vị để triển khai cho phù hợp.
Đối với các đối tượng nằm ngoài phạm vi Chỉ thị 20, phải tiến hành rà soát, kiểm tra các hợp đồng đã ký với các đơn vị bảo đảm việc trả lương qua tài khoản hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, tránh gây khó khăn, bất tiện cho người sử dụng, đặc biệt với đối tượng hưu trí. Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động mạng lưới máy ATM, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt. Đào tạo và bố trí đầy đủ đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng, cán bộ chuyên trách nhằm xử lý kịp thời các sự cố và tiếp quỹ tiền mặt cho các máy ATM, có phương án dự phòng để hỗ trợ giải quyết ngay cho khách hàng, đơn giản các thủ tục.
Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị cung cấp điện, nước, điện thoại, công nghệ thông tin… để tạo thuận lợi cho khách hàng trả tiền dịch vụ bằng thẻ và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác. Chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ (nhà hàng, siêu thị, công ty bán lẻ) để phát triển các điểm chấp nhận thẻ (POS); phát triển các tiện ích thanh toán thuận lợi gắn với việc nhận lương qua tài khoản bên cạnh dịch vụ thẻ qua ATM.
Dân Hùng